Sau hơn một tháng triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, nhiều phụ huynh phát hiện những mẩu truyện tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều, không rõ ý nghĩa, tính giáo dục. Các câu chuyện được nhận xét ngô nghê, thiếu cảm xúc, người lớn đọc cũng không hiểu thông điệp muốn truyền tải. |
Phụ huynh Thanh Hương (Hà Nội) cho biết chị đã tìm mua cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều về xem và nhận thấy câu từ trúc trắc, không có vần điệu, đọc khó hiểu. |
Độc giả Thu Hà cho rằng có thể những mẩu truyện trong sách có bài học, ý nghĩa sâu xa nhưng không hợp trẻ lớp 1. Trẻ con thẩm thấu ngôn ngữ rất nhanh, sẽ hiểu lớp nghĩa đầu tiên con đọc được. Đây cũng là những bài học đầu đời, ảnh hưởng đến hành động, tính cách của trẻ. |
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng với những câu chuyện được trích trong sách giáo khoa lớp 1. Nhiều người đặt nghi vấn về sự cẩu thả trong khâu biên soạn sách. |
"Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình khi học bài tập đọc trong sách giáo khoa cũ với nhiều bài thơ hay, ngôn từ đẹp. Đọc sách bây giờ như ăn cơm gặp sạn, khô khan, trúc trắc", độc giả Thuy Thu Nguyen bình luận. |
Tuy nhiên, nhà văn Trần Nhã Thụy nhận thấy một số mẩu truyện tập đọc trong sách Tiếng Việt lớp 1 được chia thành 2 phần. Nếu phụ huynh chỉ xem một phần sẽ không hiểu câu truyện một cách đầy đủ dẫn đến phản ứng, phê phán không đáng có. Câu chuyện Hai con ngựa, Ve và gà, Cua, cò và đàn cá... là những ví dụ. Mẩu truyện được phụ huynh chia sẻ nhiều trên các diễn đàn và cho rằng không rõ tính giáo dục. |
Nhà văn cũng cho rằng người lớn không nên cho trẻ đọc quá nhiều truyện ngụ ngôn thâm thúy. Học sinh lớp 1 cần những câu chuyện nói về thế giới đồ vật, loài vật, tình yêu thương gia đình, làng quê… Những câu chuyện mang nhiều lớp ý nghĩa, các em chưa tiếp cận được, bên cạnh đó, cũng gây khó khăn cho giáo viên. |
Theo nhà văn Trần Nhã Thụy, không nên phỏng tác theo truyện ngụ ngôn. Tác giả cần thiết giữ nguyên tác, hoặc giản lược, không nên “chế tác” làm hỏng vẻ đẹp tinh thần nguyên tác. Nếu cần, tác giả nên viết mới. |