Sau khi biết chuyện cô Đặng Thị H., giáo viên trường THPT Cao Bá Quát ở Hà Nội, cho hai nam sinh trong lớp tát con mình 11 cái, chị Quỳnh đã làm việc với trường. Tuy nhiên, do không hài lòng với cách giải quyết của nhà trường, nữ phụ huynh tiếp tục làm đơn khiếu nại lần hai.
Trong đơn, phụ huynh này cho biết trường đã quyết định tạm đình chỉ dạy học, kỷ luật với hình thức cảnh cáo trước hội đồng đối với cô H.
Theo chị Quỳnh, hành vi của cô H. ảnh hưởng nghiêm trọng tâm lý học sinh và đề nghị các nhà chức trách có hình thức kỷ luật thích hợp.
“Nếu sau sự việc này, cô H. vẫn tiếp tục lên lớp giảng dạy sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp, cao quý của các thế hệ nhà giáo từng giảng dạy và gắn bó với ngôi trường có bề dày truyền thống như trường THPT Cao Bá Quát nói riêng và ngành giáo dục nói chung”, chị Quỳnh viết trong đơn.
Đơn khiếu nại lần hai của phụ huynh Trần Thị Thúy Quỳnh. |
Nhiều nhiều người bức xúc khi giáo viên lại cho phép, thậm chí khuyến khích hành vi bạo lực diễn ra trong lớp học.
Độc giả Nguyễn Hoàng cho rằng việc để hai nam sinh đánh một nữ sinh trước sự chứng kiến của tập thể lớp là hành vi mang tính nhục mạ.
Một số người khẳng định cô H. đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Họ cho rằng việc nữ sinh nói bậy trong lớp là không đúng, nhưng cô H. nên đưa ra biện pháp mang tính giáo dục hơn.
Tuy nhiên, không ít người cảm thấy phụ huynh đã nghiêm trọng hóa vấn đề. Họ cho rằng sai lầm xuất phát từ nữ sinh. Cô H. xử sự có phần không đúng và nữ giáo viên dạy Hoá đã bị kỷ luật, xin lỗi công khai.
Trao đổi với Zing.vn, thầy Quang Tuấn, giáo viên ở Hà Tĩnh, nhận định việc cô giáo đánh học sinh hay để học sinh khác dùng hình thức xử phạt thân thể đối với bạn vi phạm nội quy đều sai.
Trong trường hợp cô H, hình thức kỷ luật cảnh cáo trước hội đồng là hợp lý. Ngoài ra, cha mẹ học sinh cũng phải xem xét lại con mình, không nên chỉ đòi hỏi trường kỷ luật giáo viên nặng hơn, thậm chí đuổi việc.
Cô Như Mỹ, giáo viên ở Bình Phước, nêu quan điểm học sinh nói tục, chửi bậy là việc không thể tránh khỏi. Thông thường, khi gặp vấn đề này, giáo viên để học sinh tự phạt.
Tuy nhiên, nữ giáo viên không hiểu tại sao cô H. lại cho hai học sinh khác đánh người vi phạm. Cách làm này có phần không thích đáng. Vì thế, nhà trường có biện pháp xử lý và kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo là phù hợp.
Đồng tình với cách giải quyết của trường, cô Mai ở Lâm Đồng cho rằng việc cảnh cáo trước hội đồng là hợp lý.
Cô nói thêm phụ huynh và xã hội cũng cần thông cảm hơn với giáo viên. Trên thực tế, nhiều học sinh vi phạm nội quy nhà trường, được nhắc nhở nhiều lần nhưng không sửa đổi.
Phụ huynh lại thường chỉ nghe thông tin từ con rồi trách móc, đòi kỷ luật giáo viên. Chính thái độ này của cha mẹ khiến học sinh ngày càng thiếu tôn trọng thầy cô.
Nhiều người thừa nhận thầy nghiêm mới có trò giỏi. Đương nhiên, việc giáo viên cho học sinh đánh bạn là không nên nhưng cách phản ứng thái quá của dư luận trong thời gian qua khiến nhiều nhà giáo vốn tâm huyết với nghề buông xuôi, không muốn nghiêm khắc với học trò vì lo động chạm.
Theo đơn khiếu nại của phụ huynh Trần Thị Thúy Quỳnh, ngày 13/9, cô Đặng Thị H. cho hai nam sinh tát con chị do nói bậy trước đó.
Nữ phụ huynh làm việc với trường THPT Cao Bá Quát. Nhà trường họp bàn và ra hình thức kỷ luật cảnh cáo trước hội đồng đối với cô H. Tuy nhiên, chị Quỳnh không hài lòng với cách giải quyết của trường nên làm đơn khiếu nại lần hai.
Cô H. cũng thừa nhận có cho hai nam sinh đánh bạn nhưng chỉ là tát nhẹ, không gây hậu quả nghiêm trọng như trong đơn khiếu nại.