Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tránh rủi ro mất cả trăm triệu đồng vì thủy kích

Thủy kích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hư hỏng động cơ ôtô, tuy nhiên có thể phòng tránh được.

Khi TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận mưa to kết hợp triều cường trong nhiều ngày gần đây, việc điều khiển phương tiện giao thông qua vùng ngập nước gây ra không ít lo lắng.

Đặc biệt với ôtô, thủy kích là một trong những trường hợp không chủ xe nào muốn gặp bởi đây là nguyên nhân hàng đầu gây hư hỏng động cơ, dẫn đến chi phí sửa chữa lớn và để lại nhiều hệ quả về sau.

Thủng lốc máy vì thủy kích

Bằng nhiều cách khác nhau, nước có thể xâm nhập vào khoang động cơ ôtô khi xe di chuyển qua vùng ngập nước, gây ra hiện tượng chết máy.

Lúc này, nếu người điều khiển cố khởi động lại máy, động cơ sẽ ép hỗn hợp gồm nhiên liệu, nước và không khí để gây nên hiện tượng được gọi là thủy kích, có thể làm cong tay biên hoặc trong trường hợp xấu nhất, tay biên gãy sẽ đâm thủng lốc máy.

Nếu chỉ phải thay thế tay biên bị cong, chi phí sẽ dao động khoảng vài chục triệu đồng. Trong trường hợp tay biên bị gãy và đâm thủng lốc máy, chi phí sửa chữa xe bị thủy kích có thể tăng lên đến cả trăm triệu đồng .

thuy kich anh 1

Thủy kích khiến tay biên bị cong. Ảnh minh họa: 996 Revolution.

Không những vậy, quá trình sửa chữa ôtô bị thủy kích đòi hỏi garage phải "bổ" động cơ để thay tay biên. Sau khi hoàn tất, thật khó để đòi hỏi nhân viên kỹ thuật lắp lại động cơ hoàn thiện như khi xe vừa xuất xưởng khỏi nhà máy.

Đây sẽ là yếu tố khiến ôtô "dính" thủy kích mất giá nghiêm trọng trên thị trường xe cũ.

Làm gì để tránh thủy kích

Như đã đề cập, hiện tượng thủy kích sẽ xuất hiện khi người điều khiển cố khởi động lại xe sau khi đã chết máy vì ngập nước.

Do đó để tránh rơi vào tình trạng này, khi xe đã chết máy, người điều khiển cần ngay lập tức chuyển về số N và không cố gắng nổ máy xe. Tài xế nên chủ động đẩy xe ra khỏi vùng ngập sâu nếu có thể, hoặc liên hệ cứu hộ đưa xe đến garage, xưởng dịch vụ để xử lý.

Việc này trên thực tế mọi tài xế đều có thể thực hiện được, tuy nhiên vì những áp lực khác nhau như phải lội nước, xe phía sau bấm còi hay chủ quan không nghĩ xe chết máy vì nước vào khoang động cơ, nên nhiều người vẫn chọn phương án thử đề máy lại, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Hoặc một cách đơn giản hơn nữa, người điều khiển nên hạn chế việc đưa xe di chuyển qua khu vực trũng ngập nếu không thật sự cần thiết.

thuy kich anh 2

Hạn chế điều khiển xe qua vùng nước ngập khi không thật sự cần thiết.

Trong trường hợp nhất thiết phải di chuyển khi đường ngập, cần tránh điều khiển xe qua những tuyến đường lạ. Việc quen thuộc địa hình sẽ phần nào giúp tài xế hiểu rõ điều kiện mặt đường, vị trí các nắp cống và gốc cây, qua đó có thể chủ động hơn khi di chuyển.

Lái xe cũng được khuyên nên quan sát các phương tiện đi trước, di chuyển theo đúng tuyến đường mà xe trước đã vượt qua thành công.

Việc ước lượng chiều cao mực nước ngập so với thân xe cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu quan sát thấy nước đã cao hơn nửa bánh xe, tốt nhất nên tránh điều khiển ôtô qua khu vực này, chờ cho đến khi nước rút hoặc chọn tuyến đường khác phù hợp hơn.

thuy kich anh 3

Tắt điều hòa xe là một trong những mẹo được khuyến nghị khi phải điều khiển ôtô qua vùng nước ngập.

Anh Hoàng Tuấn - giáo viên dạy lái xe ở TP.HCM - chia sẻ một trong những mẹo tránh tình trạng tắt máy xe là không sử dụng điều hòa khi điều khiển xe qua vùng nước ngập.

"Cánh quạt của hệ thống điều hòa hoạt động có thể hút nước vào trong động cơ, gây ra tình trạng chết máy. Do đó, nếu phải di chuyển qua khu vực ngập nước, tôi luôn khuyên học viên tắt hệ thống điều hòa để hạn chế các rủi ro", anh Hoàng Tuấn cho biết.

Sách hay đọc trên xe

Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.

Ôtô cần kiểm tra gì sau khi ngập nước do bão lũ?

Hệ thống điện, bầu lọc gió, piston hay bugi là các bộ phận được kiểm tra đầu tiên nếu xe đã bị "ngâm nước" nhiều giờ.

Loạt xe thể thao bị ảnh hưởng bởi bão Milton

Nhiều siêu xe và xe sang bị bỏ lại khi người dân đi trú bão trong các garage cao tầng, trong khi nhiều mẫu xe phổ thông bị ngập gần chạm nóc trên đường phố.

Phúc Hậu

Bạn có thể quan tâm