Chỉ ít giờ sau khi trận chung kết giữa đội tuyển Anh và Italy diễn ra vào rạng sáng 12/7 (giờ Việt Nam), bức tranh tường tôn vinh Marcus Rashford tại thành phố Manchester bị sơn nhiều câu chửi bới và hình ảnh thô tục.
Những dòng chữ, hình vẽ thóa mạ trên tường cũng đề cập đến hai đồng đội của Rashford là Saka và Jadon Sancho.
Theo Ladbible, bức tranh tường này được họa sĩ Akse thực hiện vào năm 2020, sau khi tiền đạo tuyển Anh kêu gọi quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện FareShare để cung cấp hàng nghìn bữa ăn miễn phí cho trẻ em một số trường học, trung tâm cộng đồng. Hành động của anh nhận được nhiều sự tán dương từ những người yêu bóng đá.
Bức tranh tường tôn vinh Rashford bị các cổ động viên quá khích bôi bẩn. Ảnh: Twitter. |
Sau khi bức tranh vẽ Rashford bị phá hoại, nhiều dân mạng bày tỏ sự bức xúc cũng như lên án hành vi quá khích của một số người hâm mộ tuyển Anh.
"Ai đó đã phá hoại bức tranh tường của Marcus Rashford. Các người có biết mình bệnh đến mức nào khi làm vậy không? Thật là nhục nhã", một người viết.
Trong trận chung kết Euro 2020, đội tuyển Anh và Italy phải nhờ đến chấm luân lưu để quyết định cái tên lên ngôi vô địch. Saka, Marcus Rashford, Jadon Sancho là những cầu thủ sút hỏng phạt đền.
Sau trận đấu, 3 cầu thủ nhanh chóng trở thành nơi trút giận của nhiều cổ động viên "Tam sư", bị tấn công bằng những lời thóa mạ, mang tính phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội.
Italy vô địch Euro 2020 sau loạt sút luân lưu. Ảnh: Reuters. |
Nhiều cá nhân, tổ chức nhanh chóng lên án hành vi này, chỉ trích những kẻ quá khích.
"Chúng tôi sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ các cầu thủ bị ảnh hưởng đồng thời thúc giục chính phủ nhanh chóng đưa ra các hình phạt nghiêm khắc nhất có thể dành cho những kẻ phân biệt chủng tộc. Các đơn vị truyền thông, mạng xã hội hãy thu thập, cung cấp các bằng chứng để hỗ trợ việc truy tố những người này", phát ngôn viên của Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) cho biết.
Ông Boris Johnson, thủ tướng Anh, cũng lên tiếng bảo vệ các cầu thủ: "Đội tuyển Anh xứng đáng được ca ngợi như những người hùng chứ không phải chịu sự phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội. Những người có hành vi kinh khủng này nên tự thấy xấu hổ".