Khi Ili Aqilah nghe về trào lưu lan truyền trên TikTok có tên "unboxing Pengantin" hay "unboxing bride" (tạm dịch: đập hộp cô dâu), cô đã rất hoảng sợ, theo SCMP.
Cô dâu mới cưới người Malaysia cảm thấy đây là "TMI" (viết tắt của Too Much Information), những thông tin vô bổ, riêng tư được chia sẻ quá nhiều, không cần thiết.
"Tôi học được nhiều thứ từ TikTok nhưng thấy đây là một xu hướng kỳ quặc. Quá nhiều người chia sẻ và tôi sẽ không làm điều đó", Ili nói.
Trào lưu "đập hộp cô dâu" khiến người phụ nữ 32 tuổi thấy phiền lòng nhưng lại làm hài lòng rất nhiều người khác. Các video quay cảnh những cặp vợ chồng mới cưới theo đạo Hồi đứng trước gương, trong đó chú rể tháo bỏ từng lớp phụ kiện, trang sức trên người cô dâu, đã thu hút hàng chục nghìn lượt thích trên mạng.
Các clip 'đập hộp cô dâu' lan truyền trên TikTok. |
Trào lưu "đập hộp"
Xu hướng nổi lên vào đầu tháng 1, bắt nguồn từ hành động "đập hộp" phổ biến trên mạng xã hội. Theo đó, những người có ảnh hưởng khoe các món đồ mới còn nguyên hộp, sau đó cẩn thận mở hộp để tiết lộ sản phẩm bên trong như thiết bị điện tử, giày dép, quần áo. Các video được chăm chút, chỉnh sửa kỹ lưỡng trước khi chia sẻ.
"Đập hộp cô dâu" là một cách hoàn toàn mới để "kỷ niệm" hôn nhân, thông báo cho những người theo dõi về việc các đôi đã kết hôn hợp pháp.
Tuy nhiên, Ili cho rằng người dùng TikTok thường xuyên tạo và phát hành nội dung với mục đích lan truyền mà không nghĩ đến hậu quả.
"Một số không nhận ra nội dung như thế này có thể xoay chuyển và ảnh hưởng đến họ như thế nào. Tất nhiên chúng ta đang sống trong một thế giới tự do, nhưng cha mẹ sẽ cảm thấy thế nào nếu họ xem video? Bạn có thể tưởng tượng bữa tối gia đình sẽ khó xử ra sao không?".
Cặp vợ chồng Ili Aqilah và Arif Jusoh đã sốc khi phát hiện xu hướng "unboxing bride" trên mạng xã hội. Ảnh: SCMP. |
Ở Malaysia, nơi hầu hết người dân theo đạo Hồi, trào lưu "đập hộp" đang được nhiều cặp vợ chồng áp dụng đã vấp phải sự phản đối của những người có chung quan điểm với Ili. Nhóm này cho rằng trong khi chiếc khăn trùm đầu vẫn được đội, việc tháo các phụ kiện khác trên đầu có thể gợi lên những suy nghĩ đen tối.
Tiến sĩ Mufti Mohd Asri Zainul Abidin, ở bang Perlis, cho rằng hành động người đàn ông quay cảnh tháo phụ kiện trên đầu của cô dâu giống như thể "bán vợ".
Ông nói thêm những tiến bộ về công nghệ khiến mọi người có xu hướng bộc lộ bản thân một cách công khai, đầy tự hào.
"Niềm tự hào này được thể hiện thông qua những gì thuộc về họ, bao gồm cả việc đăng tải nội dung đập hộp, chỉ để nhận về lượt thích".
Tranh cãi
Cơ quan tôn giáo của bang Perak kêu gọi các cặp vợ chồng tránh xa xu hướng chống lại giáo lý Hồi giáo thông qua "sự phỉ báng tội lỗi và mời gọi".
Bộ phận Tôn giáo Hồi giáo Lãnh thổ Liên bang cho biết "nam giới, với tư cách là người đứng đầu gia đình, có trách nhiệm bảo vệ những người thân yêu của họ khỏi tội lỗi".
Trong một bức thư gửi cho tờ báo Harian Metro, giám đốc bộ phận Mohd Ajib Ismail cho biết giáo lý của Hồi giáo yêu cầu các ông chồng phải giữ gìn danh dự cho vợ mình.
Ma-nơ-canh đội khăn trùm đầu tại một cửa hàng ở Kuala Lumpur. Ảnh: AFP. |
Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi của khoa văn hóa xã hội, Đại học Malaya cho biết mạng xã hội đã dẫn đến kỷ nguyên của các cá nhân khao khát sự chú ý và tìm kiếm "lượt thích". Nhiều người dùng không nhận ra rằng hành động của họ đã đi ngược lại với giáo lý.
"Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của phương Tây đối với người Malaysia, đặc biệt là giới trẻ. Họ đã bắt đầu cởi mở và chấp nhận xu hướng cô dâu cởi bỏ tư trang, mặc dù chịu nhiều lời chỉ trích từ những người bảo thủ, đứng đầu tôn giáo".
Ông dự đoán trào lưu sẽ từ từ bị phe bảo thủ ngăn chặn nhưng sẽ không hoàn toàn biến mất khỏi mạng xã hội.
"Do những thay đổi về giá trị, cách suy nghĩ và việc tiếp nhận những ảnh hưởng văn hóa phương Tây, xu hướng này không biến mất mà sẽ phát triển mạnh, miễn là không có các biện pháp trừng phạt từ những tổ chức tôn giáo".
Chuyên gia truyền thông xã hội Mohd Zulhelmie Zullifan cho biết người Malaysia thường phân biệt xu hướng nào nên theo và cái nào nên tránh, nhưng cũng có những nhóm thích chạy theo trào lưu gây tranh cãi.
"Nếu mọi người làm điều này ở phương Tây thì không sao, nhưng tại Malaysia, nơi hầu hết người dân theo đạo Hồi, đó chính là vấn đề".