Con dao hai lưỡi
Hiện nay, ghép ảnh là một trong những trào lưu được đông đảo cộng đồng mạng ưa chuộng và sử dụng. Các bạn trẻ thường ghép ảnh theo cách “Râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, lấy gương mặt của người này ghép vào thân hình một người khác để tạo sốc, hoặc hài hước. Nhiều trường hợp, người trong bức ảnh sẽ bị "dìm hàng" một cách tai hại khi bị ghép vào những khung cảnh cực kỳ nhạy cảm.
Một hình ảnh ghép của cư dân mạng. |
Ngày nay, những nhân vật trong phim họa hình, truyện tranh không còn được ưa chuộng trong trào lưu ghép ảnh nữa, thay vào đó là những nhân vật ngoài đời thực được các “anh hùng bàn phím” mang ra làm trò đùa. Đó có thể là người thân, bạn bè của chính họ, hoặc là những nhân vật gây sốc, những ngôi sao nổi tiếng.
Trong trào lưu này, nhiều hot girl, hot boy đã trở thành đề tài của trò đùa phản cảm. Sau khi chia tay Cường Seven, hot girl Chi Pu ngay lập tức trở thành đề tài hot của nhiều bức ảnh chế. Theo đó, dân mạng thường ghép ảnh và xây dựng mối tình tiếp theo của hot girl Chi Pu với một người có biệt danh Jimmii Khánh.
Cư dân mạng ghép ảnh chuyện tình của hot girl Chi Pu. |
Sau sự việc Angela Phương Trinh học hết lớp 9 bị phát hiện, người đẹp 18 tuổi này lập tức trở thành đề tài hot của dân mạng với hàng loạt ảnh ghép cùng những phát ngôn gây sốc.
Nạn nhân bị dân mạng ném đá hội đồng, thậm chí nhục mạ, không cần biết con người thực sự của họ ra sao. Ghép ảnh như một con dao hai lưỡi, một mặt tạo sự vui vẻ nhưng mặt khác lại gây ra những câu chuyện đáng buồn.
Trò đùa mạng ảo - Hiểm họa thực
Ngày nay, giới trẻ đã phần nào xem mạng xã hội như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Những trò đùa từ thế giới ảo tưởng chừng như vô hại đã để lại những hậu quả nặng nề.
Nếu quan tâm đến trò đùa ghép ảnh, chắc hẳn nhiều bạn trẻ sẽ biết đến cái tên Phồng Tôm, một trong những nhân vật vẫn được cư dân mạng gọi là "thánh Phồng”. Thực chất, Phồng Tôm được dân mạng biến tấu ra từ bức ảnh của Phạm Minh Phú khi còn bị tạm giữ ở cơ quan công an vì tội trộm tài sản.
Ban đầu, đây chỉ là những bức ảnh chế cho vui, nhưng nó đã ảnh hưởng xấu đến bản thân và gia đình của Phú. Mới đây, Phạm Minh Phú đã phải viết những dòng tâm sự với hi vọng cộng đồng mạng dừng việc sử dụng hình ảnh của mình. Phú cho biết, bị chế ảnh đã ảnh hưởng nặng nề đến anh: Công việc kinh doanh thất bại, ra đường bị soi mói và đàm tiếu, xin việc cũng không ai dám nhận. Phú mong cộng đồng mạng dừng việc chế ảnh để được bình yên với cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan trước mắt.
Một ví dụ điển hình khác về tác hại của trào lưu ghép ảnh quá trớn của cộng đồng mạng là sự ra đi của nữ sinh Chầm Linh. Cuối tháng 6 vừa qua, sự việc đau lòng xảy ra với gia đình nữ sinh này. Em sinh năm 1995, vừa tốt nghiệp lớp 12, trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội). Vì bị một bạn nam cùng lớp ghép chân dung mình vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đưa lên mạng làm trò đùa, Linh đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vào rạng sáng ngày 27/6.
12 dòng di thư cuối cùng của Linh kể việc bị bạn bè trêu đùa, thách thức nên đã làm liều. |
Khi tham gia ghép ảnh tung lên mạng xã hội, các bạn của Linh cũng đơn thuần nghĩ đó là trò chơi gây cười, một trào lưu trên mạng xã hội. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi trò chơi trở nên quá lố, Linh dọa tự tử và quyết định uống thuốc diệt cỏ sau khi bị bạn bè thách thức.
Không chỉ riêng Linh, ở lứa tuổi dậy thì, rất nhiều bạn trẻ khác nghiêm trọng hóa mọi việc, suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết trước một trò đùa, một câu mắng oan.
Trước đó, Th.S tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã bày tỏ quan điểm: “Mạng xã hội không phải là nơi ta muốn làm gì thì làm. Cả triệu bạn trẻ khác cũng phải nhìn vào đó mà biết chùng tay với những trò đùa ác ý, những tấm ảnh “dìm hàng”, những câu status định đăng mà có thể ảnh hưởng đến thể diện của bạn bè mình. Đó là những trò đùa khờ dại”.