Quiet constraint đang dần trở nên phổ biến hơn ở môi trường làm việc. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Vài tháng vừa qua, trào lưu “quiet quitting” được bàn luận sôi nổi trên gần như mọi trang mạng xã hội. Thuật ngữ này có nghĩa nhân viên chỉ làm việc ở mức tối thiểu được yêu cầu và đặt lợi ích cá nhân lên trước mong muốn của sếp.
Giờ đây, “quiet constraint” đang dần thay thế “quiet quitting” trở thành một vấn đề nổi cộm chốn văn phòng. Xu hướng làm việc này có khả năng gây ảnh hưởng sâu sắc đến năng suất và thành công của không ít doanh nghiệp.
Theo lời chia sẻ của Falguni Bhuta, phát ngôn viên của Kahoot! - công ty về giáo dục ở San Francisco, với FOX Business, quiet constraint là khi nhiều nhân viên nắm giữ các kiến thức quý báu trong công việc nhưng lại từ chối chia sẻ chúng với những đồng nghiệp khác.
Một báo báo về văn hóa làm việc của Kahoot! chỉ ra rằng khoảng 58% nhân viên thừa nhận rằng dù biết rõ những thông tin có lợi với đồng nghiệp, họ vẫn chọn không nói ra. Trong đó, Gen Z (những người có năm sinh thuộc khoảng 1997-2012) chiếm tới 77% số người hay giữ kín kiến thức này, Bhuta cho hay.
Không có sự san sẻ hay giúp đỡ lẫn nhau, công việc dễ dàng trở nên trì trệ. Ảnh: Canva Studio/Pexels. |
Tổn hại năng suất làm việc
Nhiều chuyên gia cho hay hàng nghìn công ty đã áp dụng mô hình hybrid work (làm việc linh hoạt kết hợp từ xa và tại nhà) nên các nhóm lao động cần phải nỗ lực hơn để đạt được thành công trong sự nghiệp.
Theo Bhuta, nhiều hệ sinh thái doanh nghiệp (tập hợp các tổ chức phụ thuộc lẫn nhau để tạo thành một giải pháp hoặc ngành hoàn chỉnh) đang dần phức tạp hơn vì công nghệ tiến bộ chóng mặt và các vị trí công việc trở nên chuyên biệt hơn.
Thêm vào đó, sự phát triển của các lực lượng lao động phân tán cùng với việc áp dụng hybrid work và làm việc từ xa trong thời gian dài dễ khiến các nhân viên trở nên xa cách rõ rệt.
Không làm việc chung hay giữ kín mọi kiến thức và kinh nghiệm, công việc khó đạt được hiệu quả và năng suất mong muốn. Dần dà, điều này còn có thể dẫn tới sự phối hợp kém và thiếu nhất quán. Tệ hơn, tiềm năng sáng tạo, sự hình thành các ý tưởng mới cùng với khả năng giải quyết vấn đề bị giới hạn và giảm đi trông thấy, Bhuta nói thêm.
Làm việc kết hợp giữa văn phòng và tại gia chưa chắc đem lại hiệu quả công việc như tưởng tượng. Ảnh: Anna Shvets/Pexels. |
Hybrid work có phải là chất xúc tác?
Một số chuyên gia khác cho rằng việc ít hợp tác và chia sẻ kiến thức của nhân viên có thể bắt nguồn từ mô hình làm việc kết hợp - hybrid work.
Theo Chris Holter, một chuyên gia về nghề nghiệp tại Florida, trong các nhóm làm việc theo mô hình này, thành viên và phong cách làm việc có xu hướng trở nên tách biệt nhau.
Nhiều người không còn nhiệt tình giúp đỡ nhau học hỏi điều mới mẻ và hữu ích khi làm việc nhóm. Điều này bắt nguồn từ kiểu làm việc linh hoạt ở nhà lẫn từ xa cũng như độ tương tác kém tại nơi làm việc, Holter bổ sung.
Sự từ chối trao đổi thêm của một người khiến quy trình công việc có nguy cơ bị phá vỡ. Ảnh: Fauxels/Pexels. |
Một người làm, nhiều người chịu
Theo chuyên gia, một nhân viên gây ảnh hưởng tiêu cực lên luồng giao tiếp trong dự án nhóm có thể gây thiệt hại đáng kể lên năng suất, thời gian cũng như tiền bạc.
Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, cho hay thật khó để có được một đội nhóm lành mạnh khi các thành viên đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả. Chưa kể, họ còn có thể trở nên ganh đua thay vì tập trung phối hợp.
Việc hạn chế, thậm chí từ chối chia sẻ trong công việc này còn len lỏi vào trong văn hóa hối hả (hustle culture) - văn hóa thúc đẩy người lao động phải làm việc nhiều hơn bình thường với tốc độ nhanh hơn để tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Bên cạnh đó, xuyên suốt đại dịch, nhiều nhân viên trở nên căng thẳng và bực bội vì liên tục phải làm thêm giờ. Kết quả, họ trút bỏ mọi tiêu cực của mình lên công ty. Một số khác làm việc từ xa thì chật vật để trở nên tốt hơn công việc. Theo đó, họ chơi xấu đồng nghiệp của mình để làm mình nổi trội hơn.
Quiet constraint có thể dẫn đến mối quan hệ nơi làm việc kém đi cũng như môi trường làm việc độc hại. Ảnh: Skylar Kang/Pexels. |
Ảnh hưởng tiêu cực lên danh tiếng cá nhân lẫn văn hóa của công ty
Những hành vi quiet constraint có thể mang tiếng xấu đến cho công ty, thậm chí bị nhiều người phản ánh lại là độc hại hay vô đạo đức.
John Coleman, chuyên gia về văn hóa nơi làm việc ở Atlanta, cho hay nhân viên có xu hướng từ chối chia sẻ nếu công ty của họ khuyến khích những hành vi như thế. Ông cho rằng đây là chiến lược việc làm tồi vì vừa thiếu tinh tế vừa làm các mối quan hệ nghề nghiệp xấu đi theo thời gian.
Coleman bổ sung những hành động độc hại như quiet constraint có thể bào mòn đáng kể văn hóa tại nơi làm việc. Chẳng hạn, nhân viên trở nên đặc biệt cạnh tranh và tập trung vào các đầu việc nông cạn và ngắn hạn của riêng hơn là những sứ mệnh lớn lao của công ty.
Các doanh nghiệp cần đảm bảo tuyên dương và khen thưởng những cá nhân cởi mở và thoải mái với việc san sẻ kinh nghiệm và thông tin để tạo nên văn hoá làm việc tích cực. Theo đó, họ cũng nên xử lý nhanh chóng và quyết đoán những trường hợp có dấu hiệu của quiet constraint.
Lãng phí thời gian hoặc đi chệch hướng nghiên cứu là những điều nhân viên phải chịu đựng nếu đồng nghiệp của họ từ chối tiết lộ thông tin quan trọng họ biết sẵn, Morin nói thêm. Điều này về lâu dài khiến năng suất của cả công ty bị ảnh hưởng sâu sắc.
Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.