Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trào lưu kiểm tra cơ thể độc hại

Các video body check, khoe vóc dáng trên mạng xã hội khiến chuyên gia lo ngại kích hoạt chứng rối loạn ăn uống, lo âu, trầm cảm.

TikTok là nơi khởi phát của nhiều xu hướng, từ vui nhộn cho đến nhảm nhí, độc hại. Một trào lưu gần đây phổ biến trên ứng dụng mang tên "body check" đang khiến các chuyên gia lo ngại, theo USA Today.

Chelsea M. Kronengold, người phụ trách truyền thông tại Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (NEDA) ở Mỹ, mô tả body check là "quan sát và ghi nhớ hình dạng, cân nặng, vẻ ngoài hoặc kích thước cơ thể của bạn".

Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào trào lưu này và nó sẽ trở thành vấn đề khi góp phần hình thành "những suy nghĩ và hành vi ám ảnh, xâm phạm" về cơ thể của các cá nhân.

"Ví dụ khi đi ngang qua gương hoặc cửa sổ có hình ảnh phản chiếu, một số người có thể sẽ nhìn lướt qua và tiếp tục đi mà không cần suy nghĩ thêm. Nhưng cũng có những người nhìn chằm chằm vào hình ảnh phản chiếu của họ với suy nghĩ tiêu cực".

trao luu doc hai tren tiktok anh 1

Thử thách body check và các hashtag liên quan như #barbellbuttchallenge, #waistcheck, #veincheck thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Ảnh: Independent.

Ám ảnh về kích thước

Trên TikTok, hashtag #bodychecking hiện có hơn 5,5 triệu lượt xem. Các xu hướng tương tự như #barbellbuttchallenge (kiểm tra vòng 3 bằng tạ), #waistcheck (thử thách vòng eo) hay #veincheck (khoe gân tay) cũng có hàng triệu lượt xem.

Một phương pháp kiểm tra cơ thể thu hút sự chú ý là đo kích thước cổ tay bằng các đốt ngón tay. Clip tham gia trào lưu này của người dùng tên @alysa_ak đang có hơn 3,2 triệu lượt xem và thu về hơn 546.000 lượt thích.

Tiến sĩ Allison Chase, nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc khu vực của Trung tâm Phục hồi Ăn uống Pathlight ở Texas, cho biết có rất nhiều video đáng lo ngại khác liên quan đến các xu hướng và thách thức body check.

Người dùng của các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và Tumblr cũng không xa lạ gì với các hashtag ủng hộ chứng biếng ăn và những bài đăng có nội dung cổ xúy rối loạn ăn uống.

Trào lưu khoe "khe hở đùi", khoảng trống bên trong giữa hai đùi của một người khi người đó đứng thẳng với hai bàn chân chạm vào nhau, từng gây sốt vào năm 2013, chủ yếu ở các nước phương Tây.

Trong khi đó, tại các nước phương Đông, xu hướng "đọ xương quai xanh" hay "vòng eo con kiến" lại được chú ý. Trên nhiều trang mạng, người dùng sử dụng cây son để đo độ sâu của xương quai xanh hay dùng tai nghe, giấy A4 để đo vòng hai của mình.

"Nó xuất hiện trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Với tư cách là một nhà tâm lý học, tôi thực sự bận tâm, bởi vì tôi nghĩ rằng nó không chỉ kéo dài chu kỳ tiêu cực này với hình ảnh cơ thể, mà còn thực sự tác động đến tâm trạng, cảm xúc, sự lo lắng và trầm cảm", tiến sĩ Chase nói.

Bà Kronengold cũng đồng ý rằng những trào lưu độc hại này có thể làm tăng tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và rối loạn ăn uống.

Làm gì để thoát khỏi trào lưu

Tiến sĩ Chase dự đoán chừng nào mạng xã hội còn tồn tại thì xu hướng body check cũng vậy.

"Đặc biệt đối với những người nhìn nhận hình ảnh cơ thể xấu đi hoặc gia tăng cảm xúc tiêu cực, họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn", bà nói.

May mắn, khi xu hướng kiểm tra cơ thể xuất hiện, một số người dùng đã cố gắng báo cáo. Hashtag #stopbodychecking thu hút được 110.000 lượt xem và mọi người bắt đầu phản ứng, nhận xét với các xu hướng mà họ thấy có vấn đề.

trao luu doc hai tren tiktok anh 4

Các chuyên gia cảnh báo xu hướng body check có thể kích hoạt chứng rối loạn ăn uống, lo âu. Ảnh: Iuliia Isaieva.

Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi body check, các chuyên gia cho biết có nhiều cách để giảm bớt tác động của nội dung này.

Hãy nhớ rằng không phải mọi thứ trên Internet đều là thật: "Hãy nhớ rằng rất nhiều thứ chúng ta thấy trên các nền tảng này đều được chỉnh sửa", bà Chase nói.

Hãy nghỉ ngơi: "Nếu mạng xã hội đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần hoặc hình ảnh cơ thể của bạn, thì điều quan trọng là phải thực hành tự chăm sóc", bà Kronengold nói.

"Tránh xa TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, hủy theo dõi những tài khoản và hashtag khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân. Hãy nhớ rằng con người, sức khỏe của bạn quan trọng hơn cả ngoại hình, số đo, vòng eo hay số lượt xem và những người theo dõi bạn có trên mạng xã hội".

Nói chuyện: Nếu bạn đang vật lộn với chứng rối loạn ăn uống, tiến sĩ Chase khuyến khích bạn tìm một người nào đó để trò chuyện.

"Nếu cảm thấy bị ảnh hưởng trong công việc, học tập, bạn nên cân nhắc đến gặp chuyên gia để được tư vấn", tiến sĩ nói.

Sự trở lại của giày cao gót hậu đại dịch

Khi văn phòng, tiệc tùng, đám cưới trở lại, những đôi giày cao gót cũng dần lấy lại vị thế của mình trên bản đồ thời trang.

Nuoc My thieu ong gia Noel hinh anh

Nước Mỹ thiếu ông già Noel

0

Hầu hết người đóng vai ông già Noel đều lớn tuổi và có bệnh nền. Hai năm đại dịch, nhiều người đã qua đời trong khi số khác bỏ nghề để giữ an toàn cho bản thân, gia đình.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm