Lặn biển là bộ môn cần nhiều sự đầu tư và kỹ thuật. So với khoảng 5-10 năm trước, ngày càng nhiều người trẻ "bắt sóng" với bộ môn này. Bên cạnh lợi ích về sức khỏe, những chuyến đi lặn cũng đem về cho họ nhiều bộ ảnh ấn tượng.
Muốn lặn để làm điều tốt đẹp cho đại dương
Nguyễn Thị Trúc Linh (TP.HCM), người hướng dẫn yoga
Tôi bắt đầu quan tâm đến loại hình lặn scuba (lặn với bình dưỡng khí) từ khoảng năm 2017. Tới năm 2018, tôi có dịp đi Philippines và tìm thấy tình yêu với lặn tự do (freedive).
Tôi còn nhớ như in cảm giác khi đó. Dù chỉ lặn dưới mặt nước khoảng 7 m, khung cảnh cứ ngỡ đang ở nơi thiên đường với những đàn cá sardines phía trên.
Mọi cảm giác mệt mỏi và sợ hãi hoàn toàn tan biến. Lúc ấy, tôi thấy mình như một phần của biển cả.
Lần đầu tôi lặn tự do là ở đảo Cù Lao Câu (Bình Thuận). Bộ môn lặn tự do nhìn khá đơn giản nhưng rất khó để có thể lặn xuống được. Lúc đó, tôi chỉ có thể nhìn mọi người lặn xuống để nhặt rác dưới biển mà "lực bất tòng tâm". Đó cũng là lần khiến tôi có động lực học lặn biển để có thể làm được những việc có ích cho đại dương như các bạn mình.
Vấn đề tôi gặp phải khi bắt đầu lặn biển là không thể điều khiển cơ thể theo ý muốn lúc dưới nước. Bên cạnh đó, quá nhiều suy nghĩ và nỗi sợ sẽ khiến cơ thể cứng đờ và mất sức nhanh. Tôi mất khá nhiều thời gian để có thể thích nghi với việc đắm mình trong làn nước.
Có một nhánh khác của lặn tự do được nhiều phụ nữ yêu thích là lặn với đuôi cá (mermaid). Việc lặn đuôi cá đòi hỏi nhiều sức lực hơn vì thông thường các đuôi rất nặng và vướng víu trong việc di chuyển cả trên bờ lẫn dưới nước. Tôi có lợi thế về tập yoga nhiều năm nên thích nghi khá tốt.
Nhiều người muốn có bộ ảnh đẹp dưới nước nhưng để làm được điều này cần khá nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Đó là thời tiết, ánh sáng, độ trong của nước, khung cảnh dưới đáy biển, máy ảnh và dĩ nhiên cả người lặn nữa. Bản thân người lặn cần giữ được sự thoải mái tối đa để có tấm ảnh đẹp.
Không chỉ là sống ảo
Đỗ Thị Minh Huệ (Phú Thọ), nhân viên văn phòng
Tôi biết đến bộ môn lặn biển 2 năm trước từ một người bạn trong nhóm đam mê biển đảo. Hồi ấy, dù chỉ mới biết về snokerling (lặn với kính và ống thở), tôi đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp ở dưới mặt nước. Nhưng khi "dấn thân" sâu hơn vào bộ môn này, tôi còn thấy nhiều điều tuyệt vời hơn nữa.
Đó là sự tự do khi tôi có thể kiểm soát hơi thở, cơ thể và tâm trí mình để lặn sâu hơn nữa. Nhờ có lặn biển, tôi mới được tận mắt nhìn thật gần những con cá vẫy đuôi tung tăng hay vô số bụi san hô mà trước giờ chỉ thấy trên TV hoặc Internet. Dưới nước là cả một thế giới sinh động.
Để có thể thấy thế giới đó, bạn cần luyện tập các kỹ năng bơi lội và không sợ hãi khi ra ngoài biển lênh đênh. Ngoài ra, học các kỹ năng xử lý khi có những tình huống bất cũng là điều cần thiết. Điều tuyệt vời nhất lặn biển đem lại cho tôi là khả năng kiểm soát hơi thở, giữ bình tĩnh. Điều này thực sự tốt cho phổi.
Sau tất mình học được cách kiểm soát hơi thở và giữ bình tĩnh. Đó là điều lớn lao nhất mà mình nhận được. Tất nhiên để lặn được thì bọn mình cũng phải luyện tập để có được sức khoẻ, và giữ được hơi thở dài trong freediving. Nó rất tốt cho phổi.
Tôi biết hiện có nhiều bạn trẻ tìm đến lặn biển chỉ để sống ảo hoặc chụp hình cùng san hô, động vật biển. Điều đó không sai nhưng các bạn đừng quên thứ quan trọng nhất là gìn giữ và phát triển thế giới dưới nước đó. Không chỉ chúng ta được ngắm nhìn, hãy để các thế hệ sau cũng có thể chiêm ngưỡng.
Ngày càng nhiều người thích lặn
Phạm Tấn Hiệp (Bình Thuận), hướng dẫn viên du lịch
Tôi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành phục hồi chức năng. Tuy nhiên, khi nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch ở đảo Phú Quý, tôi đã chọn đổi nghề. Làm nghề này vừa được gần nhà lại có thể sống với đam mê biển cả.
Tôi sinh ra ở vùng biển đảo nên từ nhỏ đã biết bơi lặn. Hồi bé, tôi hay cùng các anh lớn trong xóm đi đánh bắt hải sản ở gần nhà. Lớn lên, tôi nhận ra biển quê mình thật đẹp, từ những rạn san hô cho đến bãi cát trắng. Niềm đam mê biển cả khi xưa lại được thắp lên lần nữa. Tôi muốn được lặn và ngắm nhìn đại dương.
Hiện tại, khách du lịch biết đến đảo vì nét đẹp hoang sơ được bao trùm bởi biển xanh cát trắng. Đa số khách đều nói với tôi họ thích cảm giác hòa mình với làn trước trong xanh, mát lành của Phú Quý. Thông thường, mỗi tuần, bên tôi có khoảng 150-300 khách. Càng ngày càng có nhiều người chọn thêm dịch vụ lặn biển.
Thực tế, khách hỏi dịch vụ lặn biển có tới 90% là không biết lặn. Họ thường nhờ tư vấn những khóa học lặn chuyên nghiệp để khi quay trở lại đảo sẽ có trải nghiệm tốt hơn.
Giá của các tour lặn sẽ rơi vào khoảng 250.000-800.000 đồng/người, tùy vào dịch vụ lặn chuyên nghiệp hoặc chỉ theo dạng snorkeling.
Tôi có lặn ở Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). So với đảo Phú Quý, những nơi đó quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn nhưng rạn san hô thì không còn nhiều như ở đây. Và quan trọng hơn, mọi người tìm đến Phú Quý vì vẻ hoang sơ, không dàn dựng.
Bỏ phố về đảo để đi lặn biển
Phạm Thị Hà (Thanh Hóa), freelancer lĩnh vực thiết kế
Hè năm 2021, tôi có dịp phượt biển miền Trung. Lúc ấy, tôi còn chưa biết bơi. Dù vậy, tôi lại có tình yêu với biển nên đã quyết tâm học để có thể bơi lội thỏa thích.
Hồi tháng 2, tôi có lần đầu thử sức với bộ môn lặn trong lần đi chơi đảo Phú Quý. Do tính chất công việc và cũng "hợp đất" quá, tôi quyết định ở lại vài tháng trên đảo. Công việc của tôi cũng khá thoải mái nên ở đâu cũng không phải vấn đề lớn.
Trong lần lặn đầu tiên, tôi vẫn nhớ cảm giác sợ hãi vì nghĩ không chịu được áp suất nước. Tuy nhiên, mọi thứ đã qua nhanh khi tôi lặn được đến ngưỡng 5 m. Từ đó, lặn biển như một phần cuộc sống của tôi.
Tôi thường chụp ảnh lại sau mỗi chuyến đi. Bất ngờ là bộ ảnh lặn biển ở Phú Quý được khá nhiều người yêu thích. Một số gọi tôi là "tiên cá" nhưng nói thật, tôi chưa dám nhận cái tên này. Trải nghiệm lặn của tôi chưa nhiều. Trong tương lai, tôi muốn được đi lặn ở Philippines hoặc Malaysia.