PinkUp kêu gọi chấm dứt bạo lực mạng sau cái chết của Zheng Linghua. Ảnh minh họa: BrandingAsia. |
Theo Sixth Tone, trào lưu PinkUp xuất phát từ Weibo và nhanh chóng trở thành tâm điểm từ 22/2.
“Sự bạo lực là tội ác, chứ không phải màu hồng. Hãy cùng chúng tôi sử dụng màu sắc này để chống lại những trận bắt nạt trên môi trường Internet”, người khởi xướng chiến dịch viết.
Một số tài khoản ủng hộ phong trào đăng tải ảnh khoe mái tóc nổi bật, hoặc hình chụp vật thể màu hồng và gắn hashtag ủng hộ. Nhiều người bày tỏ thái độ tiếc thương dành cho Zheng, cũng như phẫn nộ với làn sóng miệt thị cô trước đó.
“Hôm nay là màu tóc, ngày mai là trang phục. Hãy dừng lại đi, phụ nữ đã chịu đựng quá nhiều vì định kiến rồi”, một cá nhân bình luận.
“Không thể tin được khi một cô gái có năng lực lại bị đẩy đến bước đường cùng chỉ vì nhuộm tóc. Dường như mọi thứ đều bị cộng đồng mạng biến thành bạo lực”, tài khoản khác bày tỏ.
Trước đó, Zheng, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ở Chiết Giang, vui mừng khi nhận thông báo trúng tuyển lớp thạc sĩ Âm nhạc. Để kỷ niệm ngày vui, cô đăng bức ảnh chụp chung với ông mình, người đang bệnh nặng và phải nằm viện.
Nhiều người để lại bình luận tiếc thương Zheng trên các bài đăng ủng hộ PinkUp. Ảnh: Weibo. |
Tuy nhiên, sau khi bức hình được đăng lên vào ngày 13/7/2022, mái tóc nổi bật của Zheng trở thành tâm điểm bàn tán, biến cô thành mục tiêu bắt nạt trên mạng xã hội.
"Tại sao một sinh viên vừa tốt nghiệp lại nhuộm tóc như gái quán bar thế kia", “Chẳng ai học cao mà chọn màu tóc này” là những bình luận nổi bật được nhiều người lan truyền. Thậm chí, họ còn cô là "gái hộp đêm", "gái điếm" hay "ác quỷ".
Một vài cá nhân độc địa cáo buộc cô là gái mại dâm và gắn thẻ bài đăng với kiểu tiêu đề như “ông già và cô vợ trẻ”.
Vài ngày sau khi bất đắc dĩ trở thành tâm điểm, Zheng cắt ngắn tóc và nhuộm đen để được yên thân. Nhiều tháng tiếp theo, cô cố gắng chống chọi với tin đồn cũng như làm việc với luật sư để tìm hướng giải quyết.
Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn không thoát khỏi cảnh tuyệt vọng, lạc lõng vì không tìm được sự bảo vệ cần thiết. Trong thư tuyệt mệnh, cô khẳng định cái chết của mình là kết quả của trào lưu bạo lực mạng vô nghĩa.
Sun Fanbao (38 tuổi) có hơn 320.000 lượt theo dõi trên Douyin. Ảnh: Sixth Tone. |
Thực tế, ai cũng có thể là nạn nhân của những cuộc tấn công trực tuyến.
Chỉ vài ngày sau khi kể lại câu chuyện bị người xem tấn công "ác ý" trong thời gian dài, Sun Fanbao, một streamer đến từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã tự sát vào giữa tháng 2.
Người đàn ông 38 tuổi bắt đầu được nhiều người biết tới trên nền tảng video ngắn Douyin. Anh nổi tiếng với các clip ghi lại chuyến hành trình dài 4.000 km từ Sơn Đông đến Tây Tạng, di chuyển bằng máy kéo.
Dù vậy, Sun liên tục bị một tài khoản không rõ danh tính cáo buộc anh là kẻ dối trá, chuyên lừa khán giả bằng những nội dung giật gân nhưng thực chất là dàn dựng trong thời gian dài.
Tương tự, Liu Hanbo, giáo viên trực tuyến, cũng qua đời vì đau tim sau khi liên tục bị nhóm quấy rối vô danh phá hoại, làm bẽ mặt trong các lớp mình phụ trách.
Khởi động chiến dịch quản lý vào tháng 4/2022, cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc đã yêu cầu 18 nền tảng trực tuyến lớn ở nước này phải phát triển một hệ thống truy quét và áp đặt các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người dùng có hành vi bạo lực trên mạng.
Các nhà lập pháp Trung Quốc cũng kêu gọi tăng cường các nỗ lực pháp lý. Một bộ luật đặc biệt, chống lại nạn bắt nạt hội đồng online được đề xuất xây dựng vào năm ngoái.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.