Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Trẻ 10 tuổi nặng hơn 90 kg và gánh nặng béo phì ở TP.HCM

Đi khám bệnh béo phì, nhiều phụ huynh hốt hoảng khi con mình đã ở độ nặng và mắc các bệnh mạn tính như rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, đái tháo đường...

Béo phì ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe vốn chỉ gặp ở người lớn tuổi. Ảnh: PCDS.

Thấy bé gái nặng 83 kg ngồi chờ trong phòng khám Dinh dưỡng, bác sĩ Mai bàng hoàng. Cô bé đang độ tuổi thiếu nữ nhưng người nặng trịch, di chuyển khó khăn, vùng da quanh cổ đen lám nhám.

Quá rõ ràng, bé gái được xác định béo phì độ nặng, tăng lipid máu, gan nhiễm mỡ và cao huyết áp, những biến chứng không tưởng ở độ tuổi của một thiếu niên.

Béo phì đến mức khó thở, không thể ngủ

Câu chuyện được ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), chia sẻ với Znews. Bác sĩ Mai cho biết đơn vị này liên tục tiếp đón nhiều trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi béo phì dẫn đến biến chứng.

"Tại khoa chúng tôi, rất nhiều trẻ em béo phì xét nghiệm ra mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường... Nhiều bé có ngoại hình mập mạp, ăn ngủ bình thường, không có hiện tượng bất thường nhưng xét nghiệm lên lại có chỉ số huyết áp rất cao, thậm chí ngang bằng với người lớn", bác sĩ Mai đánh giá.

Đáng chú ý là trường hợp bé cô bé mới 14 tuổi và cao 1,62 m nhưng cân nặng lên tới 83 kg.

Dù có dấu hiệu thừa cân trong thời gian dài và là con gái của một nhân viên y tế, em không được đi kiểm tra béo phì cho đến khi có dấu hiệu bất thường ở cổ.

"Cô bé hiện được chúng tôi điều trị từ từ để giảm béo phì. Vì đang trong độ tuổi dậy thì, việc điều trị cần phải thật cẩn thận để không ảnh hưởng tới quá trình phát triển của bé", bác sĩ Mai cho hay.

Không may mắn như cô bé trên, một bé trai khác đã phải nhận kết buồn vì biến chứng béo phì nghiêm trọng.

Bố mẹ làm ăn xa quanh năm, bé trai này quanh năm sống cùng bà ngoại, được bà chăm bẵm. Do ăn uống quá độ, mất kiểm soát nên chỉ mới 10 tuổi, bé đã nặng tới hơn 90 kg.

beo phi o tre em anh 1

Bác sĩ Mai đang khám bệnh tại phòng khám Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: BSCC.

Từ trước đến nay, trẻ thường xuyên được khen bụ bẫm, mập mạp nhưng không được đi khám. Chỉ đến khi xuất hiện tình trạng khó thở, bé mới được bố mẹ dắt vào bệnh viện kiểm tra.

"Khi chúng tôi tiếp nhận, trẻ bị khó thở, không thể nằm ngủ bình thường mà chỉ có thể ngồi dựa lên tường để ngủ", bác sĩ Mai nhớ lại.

Được chẩn đoán bị béo phì nghiêm trọng, bé trai này phải xét nghiệm đa chuyên khoa. Kết quả cho thấy em bị tổn thương đa cơ quan do béo phì và được chuyển đến khoa khác điều trị. Lúc này, gia đình em mới hốt hoảng vì chưa thể ngờ được tình trạng tệ nhất của con em mình.

"Một thời gian sau, tôi nghe tin từ đồng nghiệp rằng bé đã qua đời. Trường hợp này thật sự đau lòng!", bác sĩ Mai trầm giọng.

Nhiều trẻ đi khám khi đã béo phì độ nặng

Tính đến tháng 12, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2, tiếp nhận 59.181 trường hợp trẻ đến khám, 1.000 trong số đó là trẻ khám bệnh béo phì.

Thao bác sĩ Mai, số trẻ đến khám bệnh béo phì tăng lên do nhận thức của phụ huynh về bệnh béo phì đang có sự phát triển. Tuy nhiên, hầu hết trẻ đến khám đều đã ở mức độ nặng và có biểu hiện đen da vùng cổ.

"Đen da vùng cổ, hay còn gọi là gai đen, là một loại rối loạn sắc tố thường gặp ở trẻ béo phì", bác sĩ Mai giải thích.

beo phi o tre em anh 2

Gai đen là hiện tượng xuất hiện ở nhiều bệnh nhân béo phì đã biến chứng. Ảnh: Healthline.

Chuyên gia nhấn mạnh thừa cân béo phì dẫn đến nhiều hậu quả về sức khoẻ cũng như ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, nhất là khi các bé bước vào tuổi dậy thì. Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu để ý đến ngoại hình của bản thân, dễ cảm thấy tự ti khi giao tiếp với bạn bè.

Mặt khác, trẻ dễ bị bạn bè chọc ghẹo, phân biệt đối xử và tổn thương về mặt tâm lý, về lâu dài dễ ảnh hưởng đến khả năng học tập và sự phát triển của trẻ.

"Về sức khỏe, béo phì ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ. Biến chứng béo phì ở trẻ nhỏ tương tự người lớn. Trẻ vẫn có thể mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường...", bác sĩ Mai cho biết.

Trong một hội thảo cung cấp thông tin về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho hay TP.HCM có hơn 40% trẻ em trong tuổi đi học bị thừa cân, béo phì.

Số liệu này được dẫn lại từ kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2020. Trong đó, tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi là 7,4%, tăng gấp gần 15 lần so với năm 2000.

Trong đó, TP.HCM có tỷ lệ trẻ béo phì cao, đáng báo động bởi cứ 2 học sinh lại có 1 trẻ thừa cân, béo phì. PGS Mai cảnh báo trẻ em là tương lai của đất nước, chúng ta cần phải sớm quan tâm và cải thiện.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Bệnh viện ở TP.HCM cầu cứu vì nhân viên y tế liên tục bị hành hung

Lãnh đạo Bệnh viện quận 7 (TP.HCM) cho biết tình trạng người nhà bệnh nhân say xỉn, đánh nhân viên y tế xảy ra liên tục tại bệnh viện.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm