Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, K.A., học sinh một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có kết quả học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động.
“Nhiều người nhận xét em là học sinh hoàn hảo. Nhưng em cảm thấy khó khăn và không vui khi mọi người đánh giá em không có điểm yếu. Với em, ‘hoàn hảo’ nghĩa là sự kết thúc. Em muốn nghe điều gì đó để mình vẫn có thể tốt lên từng ngày”, K.A. chia sẻ tại diễn đàn Điều em muốn nói tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.
K.A. được đánh giá là học sinh hoàn hảo nhưng em vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý cảm xúc. Ảnh: N.S. |
Học sinh đang chịu nhiều áp lực
Tại diễn đàn, nhiều học sinh đã lên tiếng về áp lực các em phải chịu đựng. Mỗi em gặp vấn đề riêng, từng loay hoay tìm cách để thoát khỏi áp lực đó.
Với K.A., áp lực đến từ sự hoàn hảo trong mắt người khác. Vấn đề bùng nổ khi em và các bạn phải chuyển sang học online do dịch Covid-19.
Nữ sinh không còn được đến lớp, mọi hoạt động diễn ra sau màn hình, trong 4 bức tường. Em không thể bộc lộ cảm xúc của bản thân, rơi vào cảm giác lo lắng, căng thẳng, mất cảm hứng học tập hay hoạt động của lớp, trường. Kết quả học tập giảm sút, cảm xúc dồn nén khiến em sợ hãi mỗi sáng phải thức dậy học bài.
K.A. nói thêm em may mắn có thể chia sẻ với bố mẹ. Nhưng người lớn chủ yếu tập trung đưa ra lời khuyên, giải pháp. Em giảm bớt cảm giác lo lắng song vẫn thấy thiếu hụt khi không nhận được sự đồng cảm từ gia đình.
“May mắn, việc đến trường lớp học trực tiếp giúp em đỡ căng thẳng. Em được trao đổi, giao lưu với thầy cô, bạn bè, không phải nhốt mình trong phòng, kìm mọi cảm xúc lại”, nữ sinh bật khóc khi kể lại câu chuyện bản thân.
Em X.T., một học sinh khác ở Hà Nội, cũng khó giữ được bình tĩnh khi chia sẻ về hành trình vượt qua cảm xúc tiêu cực. T. tự nhận xét mình là người mẫn cảm, dễ tổn thương, lạc lõng. Em từng phạm lỗi không chép bài, bị cô giáo cho 2 điểm.
“Em không hiểu sao lúc đó, em lại nói thêm câu ‘em đã hiểu phần này nên không chép’. Sau đó, cô giáo nói ‘anh về đi, lúc thi, anh cứ đến mà thi, tôi bảo lãnh cho”. Em hiểu em sai nhưng cô căng thẳng và hiểu sai ý của em. Những lời cô nói như mảnh thủy tinh đâm vào tim em. Em cảm thấy hụt hẫng, tổn thương”, X.T. nhớ lại.
Ngoài ra, nam sinh còn bị miệt thị ngoại hình. Nhiều lần, em chỉ nằm trên giường, khóc, từng muốn biến mất khỏi thế giới với suy nghĩ xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi không có mình.
May mắn, X.T. được sự hỗ trợ từ chuyên viên phòng tham vấn tâm lý của trường, được giúp đỡ để yêu bản thân hơn, hiểu rằng mỗi người là một cá thể riêng, có điểm mạnh điểm yếu.
“Mỗi lần nói chuyện với cô, em thấy nhẹ nhõm, suy nghĩ tích cực, yêu bản thân hơn”, T. nói.
Trong khi đó, D.K., học sinh một trường THCS ở Đống Đa, Hà Nội, gặp vấn đề cả ở lớp và ở nhà. Năm 2017, nam sinh từng cùng mẹ sang Đức với hy vọng tìm kiếm môi trường giáo dục tốt hơn.
Đó cũng là khoảng thời gian em gặp khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ, áp lực học tập, bị bạn bè trêu đùa. Chênh lệch múi giờ khiến em không thể trò chuyện với gia đình ở Việt Nam. Tại Đức, em của D.K. còn nhỏ, khó thấu hiểu. Mẹ lại bận rộn với cuộc sống.
Mọi thứ đè nén, K. từng xung đột với bạn học. Song thay vì thấu hiểu, mẹ em lại chỉ trích em bồng bột, thiếu suy nghĩ. Nam sinh chán nản khi mẹ không nhận rõ khó khăn em gặp phải.
Năm 2020, K. về Việt Nam, học lại lớp 6 do chênh lệch chương trình. Em tiếp tục gặp khó khăn khi không cùng tuổi với bạn học. Quãng thời gian sống ở Đức cũng khiến em khó tương tác với gia đình.
Sau đó, K. đến với phòng tham vấn của trường, được lắng nghe. Họ cũng giúp em kết nối lại với mẹ để 2 mẹ con hiểu nhau, cùng giải quyết vấn đề. Cùng với đó, bạn bè đồng cảm, giúp em trong học tập, cuộc sống.
X.T. chia sẻ về hành trình vượt qua cảm xúc tiêu cực của bản thân. Ảnh: N.S. |
Phụ huynh cần thấu hiểu con hơn
Lắng nghe câu chuyện của 3 học sinh, các chuyên gia cho biết đây là chuyện thường thấy ở lứa tuổi này. Điều may mắn, các em đã dũng cảm lên tiếng để được giúp đỡ từ phòng tham vấn tâm lý học đường.
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe trẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương - nhận định thực tế, trẻ mong muốn sự thấu hiểu từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè.
Tuy nhiên, theo bà, điều này nghe có vẻ đơn giản song thực tế rất khó. Vì thế, với vai trò là người hỗ trợ tâm lý cho trẻ, bà mong các em hiểu việc chia sẻ đôi khi rất khó khăn nhưng các em hãy tiếp tục để người lớn thấu hiểu.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cho rằng người lớn quan tâm đến rối nhiễu tâm thần ở trẻ em. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh mới chỉ nghe chứ chưa lắng nghe.
Bà vừa tiếp nhận chia sẻ của một học sinh lớp 8 có dấu hiệu trầm cảm. Em rạch tay nhiều lần nhưng người lớn không biết. Đến khi mẹ em biết, em chỉ nói vết thương do va đập. Nữ sinh cho rằng mẹ không lắng nghe, luôn bảo thủ, áp đặt.
Bà Thảo đã trò chuyện với phụ huynh, nhận thấy bà mẹ yêu thương con chưa đúng cách. Khi con tâm sự với mẹ chuyện người bạn thân của con có người mẹ kinh khủng, thay vì tìm hiểu, mẹ em lại cho rằng người mẹ kia chỉ muốn tốt cho con. Bà Thảo đánh giá với phản hồi đó, bà mẹ đang thể hiện quan điểm đứng về phía phụ huynh.
“Do đó, khi lắng nghe, phụ huynh cần có phản hồi phù hợp. Họ cũng đang thiếu kỹ năng, kiến thức, chưa hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi. Vì thế, cha mẹ cần tìm hiểu thêm để có thể kịp thời phát hiện, giúp đỡ khi con gặp khó khăn”, bà Thảo khuyên.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng đánh giá vấn đề nằm ở việc học sinh đang mất kết nối với người lớn và giải pháp nằm ở chia sẻ.
Ông thừa nhận những vết thương lòng khiến các em tổn thương, trầm cảm. Vì thế, ông hy vọng trẻ đối xử với vết thương lòng như vết thương ngoài da. Việc chia sẻ với người khác cũng giống như các em vạch vết thương ra, sát trùng, đau đớn nhưng chóng khỏi.
Nhiều trẻ cảm thấy cha mẹ không lắng nghe mình. Giải pháp lúc này là chính trẻ cần tìm nhiều cách thức để người lớn thấu hiểu như tâm sự lúc cha mẹ không bận rộn hay gửi email. Các em cũng có thể tìm đến người thân khác, bạn bè, thầy cô mình tin tưởng để được phản hồi tích cực.
Từ câu chuyện của X.T., TS Trần Thành Nam chỉ cách vượt qua khó khăn khi bị miệt thị ngoại hình. Ông khuyên trẻ không phản hồi lại những lời trêu chọc trên mạng xã hội, lưu lại bằng chứng rồi chặn người đó lại. Ngoài ra, trẻ báo cáo sự cố cho quản trị mạng để họ chung tay xử lý.
Ông nói thêm việc trẻ gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc. Theo ông, cảm xúc chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.
“Vì vậy, nếu có tư tưởng tiêu cực, tự làm hại bản thân mình, các em cần nhớ đó chỉ là cảm xúc nhất thời. Chúng ta cố gắng kiểm soát để vượt qua sự tiêu cực đó”, ông Nam chia sẻ.