Hiện nay, tình trạng thủng ổ loét dạ dày - tá tràng có xu hướng trẻ hóa độ tuổi. Ảnh: Narayanahealth. |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cho biết gần đây đơn vị xử lý cấp cứu hai trẻ bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày.
Bệnh nhi đầu tiên là N.N.T.L. (11 tuổi) xuất hiện đau bụng dữ dội vùng trên rốn trước vào viện 8 tiếng. Nghĩ rằng con đau dạ dày, gia đình đã mua thuốc cho uống nhưng không đỡ nên đưa đi khám.
Ngay sau khi nhập viện, trẻ nhanh chóng được hồi sức, thăm khám, làm xét nghiệm đánh giá. Các bác sĩ chẩn đoán L. bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, có chỉ định mổ cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi, các bác sĩ quan sát thấy ổ bụng chứa nhiều dịch mủ bẩn, dịch tiêu hóa, phát hiện một lỗ thủng mặt trước dạ dày, ngay sát gan (tiền môn vị ). Mặc dù vị trí khó khăn, bệnh nhi đã được khâu lỗ thủng, lấy dịch bẩn, làm sạch ổ bụng.
Gia đình cho biết bé L. có thói quen ăn đồ chua cay, mỳ ăn liền, đồ ăn nhanh, hay thức khuya. Đặc biệt, trẻ đã được phát hiện viêm dạ dày 2 năm nhưng không tuân thủ điều trị nên đã dẫn đến tình trạng thủng ổ loét.
Bệnh nhi thứ hai là V.Đ.T. có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa trên 4 năm nhưng cũng không điều trị. Trẻ nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, X-quang có hình ảnh liền hơi, được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng.
Bệnh nhi được ê-kíp trực phẫu thuật nội soi cấp cứu khâu lỗ thủng mặt trước môn vị dạ dày ngay trong đêm. Sau mổ, trẻ được chăm sóc đặc biệt, đến nay tình trạng ổn định.
Theo BSCKI. Nguyễn Minh Hải, hiện nay tình trạng thủng ổ loét dạ dày - tá tràng có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh do thói quen ăn uống thiếu khoa học (ăn nhiều đồ chua, cay, nóng, đồ ăn nhanh…), áp lực trong học tập, thức khuya, căng thẳng… Đây là một tình trạng cấp cứu cần phải xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật nội soi cho kết quả tốt, hồi phục nhanh, thẩm mỹ. Nếu phát hiện muộn, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện đau bụng vùng dưới mũi ức (trên rốn), gia đình cần sớm đưa các cháu đi khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp giảm thiểu tối đa biến chứng.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.