Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tưởng con ngoan, ai ngờ tự kỷ

Hội chứng rối loạn tự kỷ ở trẻ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Trong nhiều trường hợp, trẻ có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Khoa Tâm lý tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM), ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đã có rất đông bệnh nhi được cha mẹ đưa đến khám về tâm thần, tâm lý.

Cha mẹ bận, con bệnh nặng hơn

Ngồi bên hành lang BV chờ lấy thuốc, đôi mắt đỏ hoe, chị L.P.Tr. (37 tuổi; ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) vẫn không tin khi bác sĩ (BS) nói con trai 3 tuổi của chị mắc bệnh tự kỷ. Chị Tr. kể sau sinh được 9 tháng, vợ chồng chị ly thân. Chị làm công nhân thường tăng ca nên phải đưa con về quê nhờ mẹ chăm sóc. Khi bé được 2 tuổi, chị đón hai bà cháu lên ở cùng.

Dù ở gần con, chị rất ít thời gian chơi đùa với con vì ngoài thời gian làm việc ở công ty, đêm về chị còn phụ mẹ đơm nút áo kiếm thêm thu nhập và để bé làm bạn với cái tivi và điện thoại. "Bé có thể ngồi xem điện thoại hàng giờ, khi gọi ít khi quay lại hoặc chơi cùng mẹ. Lúc đầu, tôi nghĩ bé tập trung xem vì thích nhưng dần tôi phát hiện bé ít nói chuyện, không chơi cùng bạn. Chỉ đến khi đi học, cô giáo nói bé có những biểu hiện của hội chứng rối loạn phổ tự kỷ như hay la hét, đánh bạn và khuyên tôi đưa con đi khám. Lúc này, tôi mới tá hỏa", chị Tr. kể.

Tương tự, bé N.G.B. (4 tuổi) được mẹ đưa đến BV trong tình trạng la hét, quấy khóc, rất sợ khi thấy người lạ. Mẹ bé, chị L.T.D. (25 tuổi) cho biết cách đây một năm, bé B. được gửi ở trường mầm non nhưng sau một tháng, cô giáo đề nghị chị đón về vì bé hay quấy khóc, la hét, đánh bạn. "Do buôn bán bận rộn, tôi để con chơi, xem tivi và iPad từ sáng đến tối. Nhiều lúc thấy con ngồi xem phim, không nghịch ngợm, vợ chồng tôi còn rất vui vì nghĩ con ngoan, ai ngờ…", chị D. bộc bạch.

Tre bi tu ky anh 1
ThS.BS Đinh Thạc làm các bài kiểm tra để tầm soát hội chứng tự kỷ cho bệnh nhi tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Người Lao Động.

Ngày càng nhiều trẻ mắc bệnh

ThS.BS Đinh Thạc, phụ trách Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, cho biết mỗi ngày có từ 55-60 bệnh nhi đến khám về tâm thần, tâm lý, trong đó khoảng 35-40 trường hợp khám mới. Riêng đối với hội chứng rối loạn phổ tự kỷ cũng có sự gia tăng đáng kể, mỗi ngày tiếp nhận từ 10-15 trường hợp.

Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ làm trẻ khiếm khuyết trong tương tác xã hội, phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Trẻ có các biểu hiện yếu ở cả 3 phương diện: Ngôn ngữ (trẻ chậm nói, từ vựng hạn chế), sự tương tác giao tiếp (trẻ chỉ thích chơi một mình, không thích trò chuyện hoặc chơi với người khác) và hành vi định hình bất thường (la hét bất thường, hay đánh bạn, đi nhón chân, lao đầu vào xe cộ đang chạy, sợ hãi những thứ bình thường như tiếng mưa...).

Chuyên gia tâm lý Lý Tường Lợi, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, cho biết cách đây một tháng, bé N.M.T. (8 tuổi) được người nhà đưa đến khám trong tình trạng mắc bệnh tự kỷ khá nặng. "Vừa gặp tôi, bé đã sấn đến đánh một cái thật mạnh vào ót, khi nói chuyện thì bất ngờ cắn vào tay tôi... Chưa kể, bé hoạt động liên tục, đập phá, không tương tác, ít quan tâm đến mẹ", ông Lợi kể.

Mẹ của T. cho hay trong gia đình bé không tiếp xúc với ai ngoài mẹ vì không biết tiếng Việt. Ba T. là người Trung Quốc thường đi công tác xa nhà nên bé rất ít được quan tâm, gần gũi… Đây là yếu tố khiến bệnh tình bé trầm trọng hơn.

Theo BS Thạc, hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra nguyên nhân chính xác của hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng yếu tố di truyền và môi trường là hai trong những nguyên nhân tác động làm cho trẻ bị nặng hơn nếu không được phát hiện, điều trị sớm.

BS Đinh Thạc cũng nhấn mạnh ngoài việc dùng thuốc, cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc điều trị chứng tự kỷ ở trẻ. Ngoài việc dành nhiều thời gian chăm sóc, trò chuyện cùng con, vào dịp hè, cha mẹ nên đăng ký cho con tham gia trại hè để trẻ sẽ được học thêm nhiều kỹ năng thích nghi hoặc các trò chơi vận động nhẹ nhàng thay vì để trẻ ở nhà xem tivi, chơi điện thoại.

Dấu hiệu nhận biết sớm chứng bệnh tự kỷ Y học cổ truyền nhìn nhận tự kỷ có xu hướng kéo dài trong cuộc sống và sửa chữa được nếu phát hiện sớm.

2 tuổi không biết nói, mẹ ngỡ ngàng hay tin con mắc tự kỷ

24 tháng, đứa con được chị Đính kể rằng phải đi cầu khẩn khắp nơi để có vẫn không biết nói như những đứa trẻ cùng trang lứa.


https://nld.com.vn/suc-khoe/tuong-con-ngoan-ai-ngo-tu-ky-20190610215542516.htm

Theo Trịnh Thiệp / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm