Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ bị xâm hại tình dục - nỗi ám ảnh âm thầm

Cuyện trẻ em bị lạm dụng tình dục không phải là chuyện mới mẻ và đang có sự gia tăng.

Việc bị xâm hại tình dục không chỉ gây ra những hậu quả nhất thời mà sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển sau này của trẻ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, khả năng học tập mà còn ảnh hưởng sức khỏe sinh sản,khả năng hòa nhập xã hội, đặc biệt là những ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần.

Nỗi ám ảnh âm thầm

Khi con sợ về nhà

Theo số liệu thống kê, con số trẻ em bị xâm hại tình dục khá cao. Thế nhưng, tại khoa tâm lý của các bệnh viện Nhi, số phụ huynh chủ động đưa con mình đến khám và điều trị tâm lý do các vấn đề liên quan đến nạn xâm hại tình dục không nhiều. Phần lớn trẻ được chuyển đến Khoa Tâm lý khi đã có những hậu quả về tâm lý như hoảng sợ, trầm cảm, có ý định tự tử… Thậm chí, nhiều em chỉ được phát hiện và điều trị tâm lý khi các em được chuyển đến Khoa Cấp cứu bởi một tổn thương rõ rệt, có em chỉ được phụ huynh phát hiện khi đã mang thai. Các chuyên viên tâm lý cho biết, trong các ca bệnh nhi có vấn đề về tâm lý do bị xâm hại tình dục thì phần lớn trẻ bị xâm hại bởi những người thân trong gia đình.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM , mới đây đã điều trị cho một số ca bệnh nhi bị chính người thân xâm hại. Bé T. (2 tuổi) được đưa Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM trong tình trạng hoảng loạn, có những dấu hiệu bất ổn về tâm lý. Tại bệnh viện, bố cháu T vẫn chưa hết bàng hoàng vì nghi con bị xâm hại tình dục. Đau đớn hơn, người bố cháu T. nghi ngờ lại là ông ngoại T. Anh kể lại rằng, thường ngày, T. hay vào phòng ông ngoại chơi. Buổi tối hôm ấy, khi đang xem ti vi ở phòng khách, anh thấy con gái vừa khóc vừa chạy vụt ra khỏi phòng ông ngoại. Cháu có vẻ hoảng sợ và úp mặt vào lòng bố. Thấy con gái áo quần xộc xệch, nhìn xuống quần con thấy có dịch vàng và chảy máu, người bố vội vàng ôm con đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM . Thấy cháu hoảng loạn, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã chuyển cháu về Khoa Tâm lý để ổn định tinh thần.

Khi bị xâm hại tình dục, trẻ sẽ có những sang chấn tâm lý nhất định (ảnh minh họa).

Khi bị xâm hại tình dục, trẻ sẽ có những sang chấn tâm lý nhất định (ảnh minh họa).

Cũng tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM , bé V. (5 tuổi) được mẹ đưa đến Khoa Tâm lý vì chị nhận thấy những dấu hiệu bất thường của con. Trước đây, V. là một cô bé ngoan ngoãn và nhanh nhẹn. Nhưng trong suốt 2 tháng gần đây, bé V. dễ hờn giận vô cớ. Quan sát con ngủ, chị lại thấy con có những hành động kỳ lạ. Cháu hay ôm gối ôm lăn qua lăn lại rồi thích ma sát gối vào vùng kín. Qua quá trình thăm khám cháu V. kể cho các chuyên viên tâm lý chuyện mình thường chơi trò gia đình với anh họ và đám bạn. Người anh họ 14 tuổi đóng vai chồng, bé V. đóng vai vợ. Anh họ thường xuyên rủ cô bé lên giường, trùm mền rồi… dạy em làm chuyện vợ chồng.

Gần đây, tại Khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM tiếp nhận trường hợp của một cậu bé 19 tuổi được gia đình đưa đến khoa trong tình trạng trầm cảm nặng. Khi gặp chuyên viên tâm lý, đã chia sẻ rằng, em luôn có cảm giác mình bị xâm hại tình dục nhiều năm trước. Nhưng ở thời điểm xảy ra sự việc, em không hề gặp một vấn đề nào về tâm lý. Mãi đến 19 tuổi, nỗi ám ảnh về chuyện cũ lại bỗng nhiên ùa về dày vò tâm trí em. Tìm hiểu sâu hơn các chuyên gia được biết, em vốn là con của một gia đình giàu có. Từ nhỏ, mọi người trong gia đình đều dồn sự thương yêu về em. Các thành viên trong gia đình đều có thói quen hôn hít, sờ mó em. Ngay cả khi em đã dậy thì. Em có một người anh trai hơn mình 3 tuổi. Người anh cũng thường xuyên ôm ấp, sờ vùng kín của em. Chính điều đó làm cậu bé có cảm giác ghê sợ, cho rằng anh mình là người đồng tính. Em mơ hồ về giới tính của mình và bắt đầu có những ám ảnh về việc hành động sờ mó khó hiểu của người thân. Nỗi ám ảnh kéo dài nhiều năm, 19 tuổi, em xuất hiện những triệu chứng trầm cảm, luôn từ chối tiếp xúc với gia đình, bạn bè, sống khép kín. Khi đó, gia đình từng nghĩ em bị tâm thần và đưa con đến gặp chuyên viên tâm lý để “chữa bệnh”.

Những “vết sẹo” tâm lý

Phân tích về những di chứng tâm lý của trẻ sau khi bị xâm hại tình dục, các chuyên gia tâm lý cho rằng, phần lớn, khi đã nhận thức được mình bị xâm hại, việc bị xâm hại như một vết thương tinh thần và sẽ để lại di chứng là những “vết sẹo” trong tâm lý. Với nhiều trẻ, vết sẹo đó quá lớn và làm “biến dạng” suy nghĩ, quan điểm sống của các em.

Nhiều phụ huynh tham gia lớp học giáo dục giới tính cho con (ảnh minh họa).

Nhiều phụ huynh tham gia lớp học giáo dục giới tính cho con (ảnh minh họa).

Theo chuyên viên tâm lý Hoàng Dương, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM , đối với trẻ nhỏ, khi bị xâm hại, các em thường có những cơn hoảng loạn, khóc hoặc hay nói mớ trong giấc ngủ. Nếu bị xâm hại sau 3 tuổi, các em thường sợ hãi với mọi thứ, sợ tiếp xúc với mọi người, sợ đi học… Những “vết sẹo” tâm lý sẽ nặng nề hơn khi trẻ đủ lớn để nhận thức được giá trị bản thân, biết quan tâm đến vẻ đẹp của mình, nhất là với những cô bé đang ở tuổi dậy thì.

Một biểu hiện dễ nhận thấy ở những đứa trẻ bị xâm hại tình dục là việc các em né tránh sự tiếp xúc với đàn ông, ngay cả với người thân mình như bố, anh em trai, anh họ, chú, cậu.... Khi lớn lên, nhiều cô gái bị xâm hại từ nhỏ vẫn có những ấn tượng không tốt với những người đàn ông xung quanh mình. Đó là lý do, những cô gái từng bị xâm hại cảm thấy khó khăn trong việc lập gia đình.

Điều đáng ngại là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại tình dục cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý. Đôi khi, cơn sang chấn tâm lý phải sau nhiều năm xảy ra sự việc mới thể hiện ra. Phụ huynh đừng suy nghĩ rằng con “bình thường” có nghĩa là con ổn.

Th.S - Chuyên viên tâm lý Kiều Thanh Hà, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM giải thích, rất nhiều trẻ ở thời điểm xảy ra việc bị xâm hại lại không xảy ra lập tức những sang chấn tâm lý. Theo thời gian, các em mới cảm nhận được những ám ảnh về việc mình bị lạm dụng và bắt đầu xảy ra những cơn sang chấn. Thông thường, sang chấn tâm lý sẽ kéo dài từ 3 - 6 tháng. Có những trường hợp phải hơn một năm sau mới bộc lộ những dấu hiệu của sang chấn tâm lý. Đó là lý do, nhiều em từng bị xâm hại được đưa đến bệnh viện điều trị nhưng không có biểu hiện hoảng loạn, thậm chí vẫn rất bình tĩnh và vui tươi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các em ổn, phụ huynh nên theo dõi những sự thay đổi tâm lý ở con.

Một kiểu lạm dụng tình dục ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con đó là việc nhiều gia đình giữ thói quen sờ mó, hôn hít con cái ngay cả khi con đã lớn. Khi trẻ lên 3, chúng đã có những định hình về giới tính của mình. Nhiều trẻ ý thức được vấn đề và sẽ cảm thấy ám ảnh. Bên cạnh đó, có những cô bé, cậu bé sẽ cảm thấy khoái cảm với việc sờ mó đó và khi bị người lạ xâm hại cũng không ý thức được, cho rằng đó là hành vi bình thường. Trẻ sẽ mất đi kỹ năng tự bảo vệ mình.

Với những trường hợp các em bị chính người thân mình lạm dụng hoặc xâm hại tình dục, chuyên viên tâm lý Kiều Thanh Hà cho rằng, trẻ sẽ bị áp lực nhiều hơn, các triệu chứng xâm hại có thể kéo dài dai dẳng hơn. Bởi các em khó lòng chối bỏ người thân mình. Trẻ cảm thấy căng thẳng hơn khi thường xuyên phải tiếp xúc với những người xâm hại mình hoặc cảm thấy bất an trong các mối quan hệ gia đình.

“Dù thế nào đi nữa, cha mẹ phải đưa con đi điều trị càng sớm càng tốt. Không nên chỉ giải quyết theo kiểu tạm thời như: Cho con nghỉ học, giấu con khỏi một nơi khác, không cho con tiếp xúc với bạn bè… Bên cạnh việc điều trị tâm lý, gia đình cũng cần hỗ trợ con một cách tế nhị thì mức độ sang chấn có thể giảm nhẹ” - Chuyên viên tâm lý Kiều Thanh Hà khuyên.

Một công bố mới đây của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho thấy, trong khoảng 1.700 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, có tới 85% trẻ bị xâm hại tình dục bởi những người quen biết… Khi bị chính người thân xâm hại, trẻ không chỉ hứng chịu những di chứng tâm lý nặng nề mà còn chịu áp lực rất lớn từ các mối quan hệ gia đình.

http://laodong.com.vn/suc-khoe/tre-bi-xam-hai-tinh-duc-noi-am-anh-am-tham-302547.bld

Theo Khương Quỳnh/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm