Người phụ nữ Thụy Điển nói trên, hiện 36 tuổi, sinh ra không có tử cung dù vẫn có các buồng trứng hoạt động bình thường. Cô đã được cấy ghép tử cung do một người bạn gia đình, 61 tuổi hiến tặng, sau khi người này trải qua giai đoạn mãn kinh 7 năm trước đó.
Theo tạp chí y học Anh The Lancet, vợ chồng người phụ nữ Thụy Điển (danh tính hiện vẫn được giữ kín) đã trải qua quá trình thụ tinh nhân tạo (IVF) để sản sinh ra 11 phôi. Số phôi này được các bác sĩ tại Đại học Gothenburg cho đông lạnh trước khi tiến hành cấy ghép tử cung cho người vợ cách đây hơn 2 năm.
Các chuyên gia đã phải cho người phụ nữ dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch để ngăn cơ thể cô chối bỏ tử cung cấy ghép. Một năm sau khi cấy ghép tử cung, các bác sĩ quyết định đã đến lúc cấy ghép một trong các phôi đông lạnh để giúp cô có thai.
Trẻ đầu tiên ra đời từ tử cung cấy ghép. |
Việc thụ thai rốt cuộc thành công và đứa con được sinh non ở tuần thai thứ 32, hồi tháng 9 vừa qua, sau khi người mẹ phát triển chứng kinh giật trong thai kỳ và nhịp tim của đứa trẻ trở nên bất thường. Bé trai nặng 1,8kg và đang trong tình trạng sức khỏe ổn định. Mẹ của em cũng đang hồi phục tốt.
Trong một cuộc phỏng vấn ẩn danh với hãng thông tấn AP, người cha bộc bạch: "Đó là một cuộc hành trình tương đối cam go suốt nhiều năm, nhưng chúng tôi hiện đã có đứa con gây sửng sốt nhất. Cháu trông không khác biệt gì so với bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng cháu sau này sẽ có một câu chuyện tuyệt vời để kể với mọi người".
Trường hợp của người phụ nữ Thụy Điển nói trên đang làm dấy lên hy vọng mới cho hàng triệu phụ nữ vô sinh trên thế giới. Theo các chuyên gia, dị tật bẩm sinh và việc chữa trị ung thư thường là những nguyên nhân chính khiến một phụ nữ không có hoặc không còn tử cung hoạt động bình thường. Nếu những phụ nữ này muốn có con của chính mình, lựa chọn duy nhất hiện nay của họ là nhờ người mang thai hộ.
Đã có 2 nhóm nghiên cứu khác thử phương pháp cấy ghép tử cung cho phụ nữ vô sinh trước các nhà khoa học Thụy Điển. Trong một thử nghiệm, tử cung cấy ghép đã phát triển bệnh và buộc phải bị cắt bỏ sau 3 tháng. Trường hợp cấy ghép tử cung còn lại đã bị sảy thai.
Giáo sư Mats Brannstrom, người đứng đầu nhóm cấy ghép ở Thụy Điển, vui mừng tuyên bố: "Thành công của chúng tôi có được nhờ hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu trên động vật và kỹ thuật phẫu thuật cấy ghép. Nó mở ra triển vọng chữa trị cho nhiều phụ nữ trẻ trên khắp thế giới có tử cung bị cằn cỗi".
Tuy nhiên, trong dư luận vẫn còn những hoài nghi về sự an toàn và hiệu quả của phương pháp mang tính can thiệp sâu này. Tiến sĩ Brannstrom và các cộng sự đang điều trị cho 8 cặp đôi khác với tình trạng tương tự. Kết quả của những nỗ lực giúp họ thụ thai như vậy sẽ cho thấy rõ hơn liệu kỹ thuật mới có thể được sử dụng rộng rãi hơn hay không.
Đối với cặp vợ chồng người phụ nữ ban đầu, họ sẽ sớm phải quyết định có muốn sinh thêm đứa con thứ 2 hay không. Do thuốc dùng để ngăn chặn tử cung cấy ghép bị thải loại sẽ gây hại về dài hạn, nên người vợ hoặc sẽ thử mang thai lần nữa hoặc sẽ phải cắt bỏ nó.