Sticker, hay nhãn dán biểu cảm, là hình ảnh đính kèm thông điệp đa dạng nhằm biểu đạt cảm xúc thay người dùng. Hiện nay, những sticker có hình ảnh trẻ em đáng yêu được dân mạng Trung Quốc ưa chuộng, sử dụng phổ biến trên mạng xã hội.
Nhưng gần đây, nhiều nhãn dán loại này lại được gắn với những thông điệp có nội dung xúc phạm, ẩn ý tình dục khiến dư luận phản đối gay gắt. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng hành động kinh doanh các gói sticker này là vi phạm pháp luật.
Theo Global Times, những nhãn dán biểu cảm chứa hình ảnh em bé hay sao nhí Trung Quốc, Hàn Quốc bán khá chạy trên nhiều nền tảng thương mại điện tử.
Người dùng có thể dễ dàng sở hữu bộ 100 chiếc sticker với giá 1,49 yuan (khoảng 23 cent) hay 520 chiếc với giá 6,88 yuan (hơn 1 USD) tại các cửa hàng trực tuyến.
Tình trạng nhãn dán trẻ em chứa nội dung nhạy cảm tràn lan trên mạng xã hội dấy lên làn sóng phẫn nộ từ dân mạng xứ tỷ dân. Hashtag "Sticker khiêu dâm về trẻ em rất khó xóa" đang nhận được nhiều quan tâm trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Weibo.
Các nhãn dán có hình ảnh trẻ nhỏ, chứa nội dung nhạy cảm được bán tràn lan trên các nền tảng trực tuyến ở Trung Quốc. Ảnh: Weibo. |
"Bạn có muốn hình ảnh con mình bị công khai, bêu riếu theo cách này không? Tôi từng báo cáo lên các nhóm WeChat hàng trăm lần, hy vọng lần này sẽ thành công", một người dùng Weibo bày tỏ.
"Dùng ảnh trẻ em rồi chèn những thông điệp nhạy cảm, thô tục mà là bình thường sao? Những hình ảnh này có thể khiến tình trạng tội phạm ấu dâm, hiếp dâm gia tăng đấy!", một dân mạng khác bình luận.
Ngày 27/1, luật sư Shen Binti tại Bắc Kinh trả lời Global Times rằng việc kinh doanh nhãn dán biểu cảm hay meme về trẻ vị thành niên như trên là vi phạm quyền sử dụng hình ảnh và xúc phạm danh dự của các bé.
"Nếu không gỡ bỏ những hình ảnh này, các nền tảng thương mại điện tử có thể đối mặt với hàng loạt khiếu nại dân sự và bị xử phạt hành chính", Shen nhấn mạnh.
Một số đơn vị kinh doanh bào chữa rằng họ thu thập những tấm ảnh này trên Internet, do đó không hề vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư Zhao Hui từ Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp Pháp lý Thanh niên Bắc Kinh khẳng định nếu không có sự cho phép từ người giám hộ, các cá nhân và đơn vị không thể kinh doanh các sản phẩm liên quan tới trẻ em.
"Hơn nữa, chèn nội dung thô tục, khiếm nhã vào sticker có hình trẻ em để buôn bán vì mục đích thương mại là bất hợp pháp, có thể cấu thành tội phạm trong một số trường hợp", Zhao Hui nói với Global Times.