Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến dư luận. Chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019, dự kiến hoàn thiện vào năm 2022-2023.
TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) đã có những phân tích góp ý cho dự thảo.
Zing.vn đăng bài viết của TS Vũ Thu Hương với 7 điểm cơ bản.
Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được xây dựng thống nhất ở mọi miền, mọi tỉnh thành của đất nước. Đây là chương trình bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.
Tuy nhiên, với đặc thù đất nước trải dài trên gần 20 vĩ độ, các vùng núi, cao nguyên, đồng bằng, miền biển có nhiều nét địa phương rất riêng, việc xây dựng một chương trình thống nhất chắc chắn sẽ gây ra những nét chênh so với nhu cầu dân cư từng vùng miền.
Ví dụ: Ở khu vực miền núi, vùng cao, học sinh sẽ cần học nghề sản xuất nông nghiệp. Với các môn học như Tin học ứng dụng, Khoa học máy tính, Thiết kế và công nghệ, tính hiệu quả trong giáo dục sẽ không cao.
Vì thế, nên chăng chúng ta cần xây dựng một mô hình giáo dục có các nhánh dành riêng cho những vùng dân cư có nét đặc trưng như khu vực vùng cao, khu vực vùng biển.
Thứ hai, trong mục Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, các tác giả đã nêu ra một số năng lực cần có của thanh viên Việt Nam sau khi tiếp nhận chương trình giáo dục mới như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo…
Như vậy, các mục tiêu sống tốt, sống hạnh phúc và sống thành công đã có thể hoàn thành.
Tuy nhiên, mục tiêu "sống còn" là mục tiêu quan trọng số một thì chưa thấy được đặt ra ở đây dưới dạng năng lực nào. Theo tôi, năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân là quan trọng hàng đầu, cần phải bổ sung để đảm bảo sự an toàn và lành mạnh cho các học sinh.
Mục này nên đặt ra thành một mục riêng vì tính chất quan trọng của nó thay vì ghép với năng lực tự chủ. Khi đó, tầm quan trọng của năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân sẽ bị coi nhẹ.
Thứ ba, trong mục thời lượng giáo dục, ở cấp tiểu học, các tác giả có ghi rõ: Các trường chưa đủ điều kiện cần tập trung đầu tư để đến năm 2022-2023 dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả lớp tiểu học. Trong cấp THCS, các tác giả cũng khuyến khích các trường thực hiện dạy 2 buổi mỗi tuần.
Điều này khiến tôi cảm thấy lo ngại. Rõ ràng trẻ em Việt Nam chưa được giáo dục giới tính một cách đầy đủ. Thêm nữa, phòng ốc ngủ trưa của các em ở các trường gọi là đủ điều kiện cũng rất tạm bợ, trẻ trai và trẻ gái ngủ chung.
Như vậy, rõ ràng chúng ta đang tạo điều kiện cho những vụ việc xâm hại hoặc sàm sỡ lẫn nhau xảy ra giữa các học sinh. Đặc biệt, khi lứa tuổi dạy thì càng ngày càng sớm.
Về thời lượng học tập, chúng ta kêu gọi giảm tải cho học sinh nhưng số lượng tiết học ở chương trình vẫn quá cao so với các nước trên thế giới.
Tổng thời lượng chương trình mới ở lớp 1, 2, 3 là 1.147 tiết; ở lớp 4, 5 là 1.184 tiết. Trong khi đó, thời lượng số môn học của Nhật Bản và Phần Lan ít hơn hẳn.
Bảng so sánh môn học của trẻ Việt Nam và Nhật Bản. |
Bảng so sánh thời lượng số tiết học ở tiểu học của trẻ em 3 nước Việt Nam, Phần Lan và Nhật Bản. |
Với thời lượng nhiều như vậy, liệu rằng trẻ có bị quá tải, đặc biệt khi tâm lý sính thành tích của phụ huynh vẫn còn rất nặng nề và tình trạng dạy thêm học thêm, học nâng cao vẫn phổ biến khắp cả nước?
Thứ tư, mục tiêu của chương trình nhấn mạnh việc hình thành và phát triển hài hòa thể chất và tinh thần, có phẩm chất tốt đẹp.
Tuy nhiên, thời lượng môn học Giáo dục lối sống, Giáo dục công dân ở cấp tiểu học và THCS ít hơn hẳn so với các môn học khác. Ở cấp THPT, môn Pháp luật là bộ môn rất quan trọng thì được đặt chung với môn Kinh tế.
Điều đó sẽ khiến chúng ta nhầm tưởng rằng đây là môn học giáo dục nghề nghiệp hơn là bộ môn đào tạo con người sống và làm việc theo pháp luật.
Thứ năm, về mục tiêu môn Âm nhạc ở bậc tiểu học và các bậc học khác, việc học hát được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, rõ ràng hát là khả năng mà không phải học sinh nào cũng có. Nên chăng mục tiêu này cần được đặt xuống dưới hoặc thay đổi cho phù hợp.
Trong khi đó, những nội dung về lịch sử âm nhạc thế giới, các dòng nhạc trong nước và quốc tế... chiếm thời lượng khá nhiều và rất cần thiết để nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật của trẻ thì được tóm gọn trong mục tiêu thường thức âm nhạc.
Rõ ràng với cách sắp xếp như vậy, các thầy cô giáo sẽ nghĩ đơn giản môn học này dạy trẻ hát là chính.
Thứ sáu, hiện nay thế giới đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức do biến đổi khí hậu và các thảm họa môi trường. Tuy nhiên, chương trình không có bộ môn riêng biệt về các nội dung này.
Các kiến thức quan trọng về môi trường và phát triển bền vững chỉ được đề cập đến trong các môn cuộc sống quanh ta, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội ở cấp tiểu học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở THCS.
Với thời lượng ít ỏi, rõ ràng chúng ta không thể kỳ vọng là nội dung này sẽ được dạy đầy đủ cho học sinh.
Thứ bảy, ở cấp THPT, các môn nghề đã xuất hiện trong chương trình. Tuy nhiên, các môn giáo dục nghề lại tập trung vào tin học, máy tính, công nghệ.
Trong khi đó, Việt Nam là nước nông nghiệp với các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp có rất nhiều tiềm năng phát triển.
Rõ ràng với những môn thiên về máy tính, hiệu quả sử dụng kiến thức các môn học này cho nghề nghiệp tương lai của một bộ phận lớn thanh niên sau này không cao.
Vô hình chung, chúng ta đã khiến cho giới trẻ cảm thấy nghề nghiệp quan trọng bậc nhất liên quan đến các thiết bị công nghệ.