Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học ngoài công lập đề xuất giải pháp tự cứu mình

Nếu như trong giai đoạn 2013-2015, mỗi năm có khoảng 81.000 sinh viên đăng ký học tại các trường ngoài công lập thì đến năm 2016, con số này chỉ còn hơn 72.000 sinh viên.

Ngày 14/4, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị các trường đại học ngoài công lập dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Một lần nữa, vấn đề bất bình đẳng giữa các trường công - tư lại được đặt ra.

PGS.TS Phạm Thị Huyền - đại diện nhóm các nhà nghiên cứu độc lập đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu - cho biết nhóm đã khảo sát tình hình hoạt động các trường đại học ngoài công lập trong cả nước từ tháng 1 đến tháng 3.

giam gan 10000 sinh vien anh 1

ĐH hoạt động hơn 20 năm nhưng vẫn phải đi thuê cơ sở

Nghiên cứu cho thấy số trường ĐH ngoài công lập đã tăng từ 5 trường (năm 1994) lên 60 trường vào cuối năm 2016 (trên tổng số 271 trường ĐH).

Hiện các trường ĐH ngoài công lập có hơn 253.000 sinh viên theo học, chiếm tỷ lệ 13%. Theo thống kê của các trường đại học ngoài công lập, có 80% sinh viên các trường này có việc làm trong vòng một năm ra trường và nhiều trường, số lượng sinh viên ra trường có việc làm lên đến 97%.

Tuy nhiên, các trường ngoài công lập hiện nay phải cạnh tranh “không cân sức” với các trường công lập có bề dày lịch sử phát triển và được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, tài chính, trang thiết bị và nguồn lực con người…

PGS.TS Phạm Thị Huyền cho biết tính trung bình mỗi trường đại học ngoài công lập có khoảng 3,6 cơ sở đào tạo, thể hiện sự đa dạng nhưng cũng phân tán trong hoạt động đào tạo, gây khó khăn cho việc tạo lập môi trường học tập tốt cho sinh viên.

Một vấn đề đáng lưu ý là có đến 5/12 trường ĐH ngoài công lập có thời gian hoạt động hơn 20 năm nhưng vẫn phải thuê 100% cơ sở đào tạo.

Ít sinh viên - ít tiền hoạt động

Đối với công tác đào tạo của các trường ĐH ngoài công lập thì công tác tuyển sinh là vấn đề khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay.

Nếu như trong giai đoạn 2013-2015, mỗi năm có khoảng gần 81.000 sinh viên đăng ký học tại các trường ngoài công lập thì đến năm 2016 con số này chỉ còn hơn 72.000 sinh viên, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trường bởi nguồn thu chủ yếu của các trường là từ học phí.

Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương - cho rằng hệ thống giáo dục đại học vẫn còn bất cập: "Nếu các trường ngoài công lập không tuyển sinh được, liệu có thể đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, đào tạo đội ngũ giảng viên được không?

Tất cả vấn đề đấy đếu liên quan đến kinh phí. Các trường ngoài công lập hiện nay không có nhà đầu tư nào cả, họ có tiền cũng không đầu tư. Chúng tôi phải tự làm, xã hội hoá từ tiền của sinh viên. Sinh viên không có thì làm sao làm được các vấn đề khác".

Theo bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Á (Đà Nẵng), sự đóng góp của các trường ngoài công lập cho xã hội là rất lớn. Chính phủ không nên để các trường tự bơi trong khi lại yêu cầu các trường ngoài công lập phải đạt chuẩn chất lượng khu vực hay quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào kiến nghị: "Chính phủ hãy để phần đóng ngân sách của các trường ngoài công lập đầu tư trở lại cho các trường này. Cụ thể, đầu tư vào chiến lược phát triển đội ngũ, đầu tư thư viện, ký túc xá cho sinh viên các trường ngoài công lập, hiện nay gần như không có.

Chính phủ hãy chịu một phần kinh phí trong việc đầu tư các trường ngoài công lập bằng cách cho lãi suất bằng 0. Hiện TP.HCM làm rất tốt việc này. Lãi suất bằng 0 cũng rất ít so với việc cấp kinh phí cho trường công".

Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu - hiệu trưởng Đại học Văn Lang - cho rằng các chính sách của nhà nước phải hướng đến tạo môi trường thuận lợi để các trường đại học ngoài công lập tham gia đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường công lập và ngoài công lập.

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh khẳng định: Thực tế cho thấy trường nào làm tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục thì sẽ phát triển bền vững.

Vì vậy, các trường đại học ngoài công lập phải xây dựng, bám sát các bộ tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo để có kế hoạch đầu tư cho công tác này. Đây là một trong những giải pháp dài hạn để nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường đại học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị nêu giải pháp bằng cách, nhà nước sẽ thay hình thức cấp bù ngân sách bằng việc giao nhiệm vụ, tiến tới không phân biệt trường công, trường tư, tạo môi trường bình đẳng cho các cơ sở giáo dục trong cả nước phát triển một cách lành mạnh.

Chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi cách học thế nào?

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới quy định các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh.

http://infonet.vn/giam-gan-10000-sv-nam-2016dai-hoc-ngoai-cong-lap-de-xuat-giai-phap-tu-cuu-minh-post225428.info

Theo Bạch Dương / Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm