Mong con cao lớn mẹ chăm nhỏ vitamine D
Chị Vũ Thị Ninh trú tại Hoàng Cầu, Hà Nội chia sẻ con trai chị khi được 6 tháng cháu hay quấy khóc về đêm. Mặc dù 6 tháng nặng 8 kg nhưng hàng xóm vẫn khuyên chị nên nhỏ vitamin D cho cháu vì cháu có thể còi xương do thiếu vitamin D. Vì thế, chị Ninh ra hiệu thuốc mua lọ vitamin D về nhỏ cho con.
Ngày nào chị cũng đều đặn nhỏ cho con vào buổi sáng. Ở nhà với bà nội, bà sợ cháu còi xương nên cũng chăm chỉ nhỏ thuốc cho cháu. Ngày nào bé cũng được nhỏ 3-4 giọt để chống còi xương. Chị Ninh thấy bé bớt quấy khóc hơn. Tuy nhiên, được khoảng một tháng bé có triệu chứng hay trớ, biếng ăn thậm chí cháu mệt mỏi như người ốm nhưng lại không có triệu chứng sốt. Chị Ninh đưa con đi khám, bác sĩ nghi ngờ có thể cháu bị ngộ độc vitamin D.
Trường hợp bé con nhà chị Phạm Thị Trâm trú tại Quan Nhân, Hà Nội cũng tương tự. Chị Trâm mặc định cho rằng nhỏ càng nhiều vitamin D càng tốt giúp bé cao lớn, chân dài. Tuy nhiên con chưa kịp cao lớn thì đã phải đi viện vì thừa vitamin D.
Theo bác sĩ Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi trung ương, ngộ độc vitamin D là tình trạng rất hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bệnh xuất hiện khi hàm lượng vitamin D trong cơ thể quá cao (hàm lượng 25-hydroxy vitamin D trong máu liên tục > 200 ng/ml được coi là có tiềm năng gây độc).
Nguyên nhân thường là do bổ sung vitamin D liều quá lớn, không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng. Cơ thể có khả năng điều hòa lượng vitamin D được tổng hợp nhờ tia cực tím và các thực phẩm thường không chứa quá nhiều vitamin D.
Hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là làm tăng canxi máu, dẫn tới chán ăn, buồn nôn và nôn. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên. Canxi máu cao có thể gây vôi hóa mạch máu và mô, làm tổn thương tim, các mạch máu và thận. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung cả canxi (1.000 mg/ngày) và vitamin D (400 IU) ở phụ nữ tiền mãn kinh làm tăng 17% nguy cơ sỏi thận trong vòng 7 năm.
Điều trị chứng ngộ độc vitamin D bao gồm ngừng ngay việc dùng vitamin D liều cao, ngừng bổ sung canxi, duy trì khẩu phần ăn ít canxi, uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Bác sĩ có thể chỉ định dùng corticosteroid hoặc thuốc lợi tiểu tăng thải canxi để làm giảm nồng độ canxi huyết thanh.
Trường hợp ngộ độc vitamin D cấp, được phát hiện ngay sau khi bệnh nhân vừa uống vitamin D liều cao, bác sĩ có thể tiến hành gây nôn, rửa dạ dày để ngăn chặn vitamin D tiếp tuc hấp thu vào cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu vitamine D
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phòng khám dinh dưỡng Cơ sở 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamine D hay rối loạn chuyển hóa vitamin D, ảnh hưởng đến chuyển hóa và hấp thu canxi và phốt pho trong quá trình tạo xương.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo canxi - phốt pho, những trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ.
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ dinh dưỡng khi con bạn có một trong các dấu hiệu sau:
- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.
- Rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.
- Các biểu hiện ở xương: Thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp rộng, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp.
- Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.
- Răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón, biếng ăn.
- Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…
Mặc dù, vitamin D và canxi có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao và sức khỏe xương của trẻ em. Hơn nữa, vitamin D, can xi không chỉ giúp bé phát triển răng và xương mà còn có vai trò chuyển hóa các chất, giúp cơ thể bé hấp thu dưỡng chất dinh dưỡng từ thức ăn hằng ngày. Tuy nhiên, bác sĩ Hưng vẫn khuyến cáo cha mẹ cần chú ý để bổ sung đúng lượng can xi cho trẻ, tránh tối đa việc bé thừa hay thiếu vitamin D, can xi.
Cha mẹ không nên tự bổ sung vitamin D hay can xi cho trẻ khi chưa biết chính xác tình trạng bệnh của con mình. Đến khám bác sĩ sau khi khám, có thể con bạn sẽ được kiểm tra nồng độ vitamin D, can xi… trong máu trước khi bác sĩ kê đơn cho bé.