Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhi T.N.G.H. (27 tháng tuổi, ở Hưng Yên) đến viện trong tình trạng quá muộn để các bác sĩ có thể nỗ lực giành giật lại sự sống cho bé.
Gia đình cho biết trước đó ở nhà, trẻ bị sốt cao liên tục nhiều ngày liên tiếp. Gia đình vẫn kiên trì cho bé uống thuốc hạ sốt tại nhà. Đến ngày thứ 4, trẻ mới được đưa đến phòng khám tại địa phương. Lúc này, bé H. bắt đầu có những cơn sốt co giật, được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 25/7.
Bác sĩ Trần Đăng Xoay, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết khi đến viện, trẻ diễn biến nặng, sốt li bì, sốc nhiễm trùng, viêm màng não nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh và tim nặng.
“Chúng tôi đã cho bệnh nhi thở máy, sử dụng thuốc trợ tim, vận mạch, dùng kháng sinh, lọc máu, tuy nhiên, trẻ không đáp ứng. Sau 2 ngày điều trị, mặc dù được bác sĩ nỗ lực cứu chữa tích cực, trẻ tiên lượng nguy cơ xấu”, bác sĩ Xoay chia sẻ.
Các bác sĩ thăm khám cho trẻ khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh minh họa: BVCC. |
Một bệnh nhi khác là bé trai N.M.T. (22 tháng tuổi, ở Bắc Kạn) được chuyển đến Trung tâm Quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 18/7 trong tình trạng sốt cao, li bì, tiêu chảy.
Gia đình cho biết 8 ngày trước, bé sốt cao liên tục 39-39,5 độ C, đáp ứng kém thuốc hạ sốt, ngày thứ 4 xuất hiện ban đỏ trên da rải rác toàn thân.
Trẻ đã được gia đình đưa đi khám ở một số cơ sở y tế tuyến tỉnh. Tuy nhiên, tại đây, các bác sĩ nghĩ rằng bé bị sốt virus và kê thuốc điều trị nhưng tình trạng không đỡ. Sau đó, gia đình đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sau khi khám và xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki ngày thứ 8.
PGS.TS Trần Thanh Tú, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết Kawasaki là bệnh nguy hiểm và khó chẩn đoán do biểu hiện lâm sàng thường không đặc trưng, dễ bị nhầm với nhiều bệnh khác. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi với biểu hiện là sốt kéo dài, phát ban, viêm niêm mạc miệng và kết mạc mắt.
“Biến chứng của bệnh Kawasaki rất nặng nề. Nếu không được chẩn đoán sớm, bệnh sẽ gây tổn thương vĩnh viễn động mạch vành. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời khi chưa có biến chứng, bệnh sẽ thuyên giảm và có khả năng ngăn chặn thương tổn động mạch vành”, BS Tú nói.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết dịch Covid-19 nguy hiểm và có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ, phòng và chống dịch được bệnh viện thực hiện nghiêm chỉnh, quyết liệt để đảm bảo tuân thủ an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất.
"Người bệnh và gia đình không nên quá hoang mang khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh mà vô tình gây nên hệ lụy xấu đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Khi đến bệnh viện, người bệnh và người nhà cần tuân thủ đảm bảo 5K, hạn chế số người đi cùng, chỉ một người nhà đi với trẻ và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế", PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.