Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ Trung Quốc bị bố mẹ nẹp chân, bó đầu để làm đẹp

Li Zhenzhen tin rằng việc để con trai thở bằng miệng khi ngủ sẽ phá hỏng ngoại hình của bé. Vì vậy, cô quyết định dùng băng dính y tế dán chặt môi con.

Dán miệng khi ngủ và đội mũ định hình hộp sọ nằm trong số những cách làm đẹp cho con của cha mẹ ở xứ tỷ dân. Ảnh: Xiaohongshu.

Li đều đặn thực hiện việc này mỗi đêm kể từ khi con trai 5 tháng tuổi. Người mẹ nhiều lần được cảnh báo đang làm điều vô bổ và có thể gây nguy hiểm, nhưng cô không quan tâm.

Li tin rằng việc dính miệng sẽ đảm bảo con trai có ngoại hình hấp dẫn khi lớn lên. Vì theo quan điểm của cô, đẹp là có tất cả.

Ở Trung Quốc, ngày càng nhiều bậc phụ huynh áp dụng các biện pháp cực đoan để đảm bảo con mình phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp truyền thống. Trong mắt họ, thành công trong tương lai của một đứa trẻ sẽ phụ thuộc vào ngoại hình cũng như trình độ học vấn nên cần được can thiệp sớm, theo Sixth Tone.

Trên các nền tảng mạng xã hội, những người có ảnh hưởng đang quảng cáo loạt sản phẩm mà họ tuyên bố giúp sửa chữa khiếm khuyết về ngoại hình ở trẻ nhỏ: từ niềng răng cho trẻ 3 tuổi đến mũ tạo hình hộp sọ hay nẹp uốn thẳng chân.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết một số sản phẩm kể trên có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, gây tổn thương não và các bệnh lý vĩnh viễn khác. Tuy nhiên, cho đến nay, sự phổ biến của chúng không hề suy giảm.

Dan mieng con anh 1

Với niềm tin con cái sẽ có ngoại hình ưa nhìn khi lớn lên, nhiều phụ huynh tìm đủ mọi cách can thiệp từ sớm như niềng răng, dán miệng, bó đầu, nẹp chân. Ảnh: Ding Yining/Sixth Tone.

Sợ con xấu khi lớn lên

Trong xã hội quá coi trọng ngoại hình như Trung Quốc, nhiều bậc cha mẹ như Li Zhenzhen cho rằng vẻ ngoài hấp dẫn giống như sự bảo chứng cho tương lai con cái họ.

“Trong trường hợp xấu nhất, nếu không có bất kỳ thế mạnh nào, con tôi vẫn có thể kiếm sống bằng ngoại hình đẹp trai”, cô nói.

Vì vậy, khi nhận ra con trai thở nhẹ bằng miệng khi ngủ, Li lập tức lo lắng. Cô đọc trên mạng rằng điều này có thể khiến trẻ phát triển “adenoid face” (hội chứng mặt dài).

Việc trẻ bị nghẹt mũi và buộc phải thở bằng miệng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm. Các dấu hiệu phổ biến của “adenoid face” bao gồm khuôn mặt dài, răng cửa nhô cao, môi trên ngắn và lỗ mũi hếch.

Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng bất kỳ đứa trẻ nào thở bằng miệng đều có thể phát triển tình trạng này và quảng cáo băng dán miệng như cách để ngăn chặn.

Những bài đăng có tác động rất lớn. Trên kênh mua sắm của Xiaohongshu, có khoảng 200 sản phẩm băng dán miệng được thiết kế đặc biệt cho trẻ em được bày bán. Hơn 100.000 gói băng keo dán miệng dành cho trẻ em được bán trên Taobao mỗi tháng.

Dan mieng con anh 2

Quảng cáo sản phẩm băng dán miệng cho trẻ em tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc. Ảnh: Taobao.

Li trở thành người ủng hộ trung thành của băng dán miệng. Việc bịt miệng con trai nhanh chóng trở thành thói quen hàng ngày của cô.

“Ban đầu, con trai tôi bị phát ban trên da. Tôi đã đổi nhãn hiệu nhiều lần và cuối cùng tìm thấy sản phẩm mà thằng bé không bị dị ứng”.

Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo băng dính miệng không thể ngăn chặn “adenoid face” mà ngược lại có thể gây nguy hiểm.

Thở bằng miệng, nguyên nhân gây ra “adenoid face”, là do phì đại adenoid (các tuyến nằm phía trên vòm miệng) và amidan. Khi adenoid phình ra, có thể do nhiễm trùng, dị ứng hoặc di truyền, chúng sẽ chặn đường mũi, buộc trẻ phải thở bằng miệng để nhận đủ oxy.

Các khối phì đại adenoid có thể được điều trị bằng thuốc để giảm viêm hoặc phẫu thuật trong trường hợp nghiêm trọng. Băng dính miệng không làm gì khác ngoài việc lấy đi lượng oxy quan trọng của trẻ, có thể gây tác hại suốt đời.

Qian Wei, chuyên gia tai mũi họng tại United Family Healthcare ở Thượng Hải, cho biết: “Việc bịt miệng trẻ không phải là giải pháp cho đường mũi bị nghẹt. Việc dán băng keo miệng mà không có chỉ dẫn y tế có thể gây thiếu oxy và tổn thương não”.

Tháng 6, một cậu bé 5 tuổi ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, được cho là suýt chết ngạt vì bị dán băng dính vào miệng. Câu chuyện đã trở thành chủ đề thịnh hành trên Weibo, làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về nỗi lo lắng ngày càng tăng của các bậc cha mẹ đối với ngoại hình của con cái.

Tuy nhiên, băng dính miệng vẫn còn phổ biến. Li không biết sản phẩm có thể gây nguy hiểm cho đến khi đăng bài trên mạng xã hội. Cô lập tức đưa con đến bệnh viện để kiểm tra và may mắn là não bộ của cậu bé vẫn phát triển bình thường.

Khi bác sĩ hỏi về việc sử dụng băng dán miệng, người mẹ vẫn khăng khăng mình làm đúng: “Không có gì sai khi cha mẹ phấn đấu cho con cái có ngoại hình đẹp”.

Thậm chí đến giờ, Li vẫn tiếp tục dùng băng dính miệng cho con trai. Mặc dù thường xuyên bị chỉ trích, cô vẫn được nhiều phụ huynh ủng hộ nhiệt tình.

Mối nguy hiểm

Ngày nay, ngành kinh doanh làm đẹp cho trẻ em vượt xa khỏi băng dán miệng. Một số trẻ nhỏ khoảng 3 tuổi hiện đeo niềng răng 24 giờ/ngày.

Các bậc cha mẹ khác đang sử dụng các sản phẩm quấn chặt cẳng chân của con để không bị vòng kiềng.

Trong số sản phẩm mới, mũ chỉnh hình hộp sọ của em bé là phổ biến nhất. Các nhà bán hàng nói rằng nếu đội mũ 23 giờ/ngày trong 4 tháng, trẻ sẽ phát triển hình dạng hộp sọ mong muốn: tròn thay vì phẳng và trán dô.

Tại Mỹ, các bác sĩ đôi khi chỉ định liệu pháp đội mũ nếu hộp sọ của trẻ bị biến dạng. Sản phẩm này chỉ có thể được sử dụng dưới sự giám sát y tế. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, mũ được bán tràn lan trên mạng với giá dao động từ 2.000 nhân dân tệ (287 USD) đến 20.000 nhân dân tệ.

Xu, đến từ tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, đặt hàng mũ định hình hộp sọ cho đứa con 7 tháng tuổi vào tháng 8, sau khi đọc thông tin về sản phẩm này trên mạng. Trước đó, cô phiền lòng vì phần đầu của con không cân đối, mà cô đoán có thể do bé nằm trong lồng ấp khi mới chào đời và không được y tá chỉnh tư thế ngủ.

“Tôi phải can thiệp. Nếu không, tôi thấy tan nát cõi lòng mỗi khi nhìn thấy con trai với phần đầu không cân xứng”.

Giờ đây, Xu đảm bảo rằng con trai phải đội mũ cả ngày. Cô nói rằng hối tiếc duy nhất của mình là không mua sản phẩm này sớm hơn.

“Đáng lẽ, tôi phải đội mũ cho con khi mới 3 tháng tuổi. Khi đó, việc chỉnh hình sẽ dễ dàng hơn nhiều”, cô nói.

Đáng lo ngại hơn, các bậc cha mẹ Trung Quốc đang ngày càng coi mạng xã hội như nguồn tư vấn y tế tin cậy. Trong một số trường hợp, điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của con cái họ.

Yang Yan, đến từ tỉnh Chiết Giang, lần đầu nhận thấy con gái thở bằng miệng khi cô bé 3 tuổi. Khi Yang đưa con đến bệnh viện, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cho biết bé cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.

“Họ nói rằng phì đại adenoid của con bé đã chặn hơn 90% đường mũi. Nhưng gia đình tôi quá bảo thủ vì lo lắng về những rủi ro sức khỏe từ việc áp dụng gây mê toàn thân”, người mẹ kể

Thay vào đó, gia đình Yang quyết định cho con gái massage và trị liệu bằng thảo dược trong 3 năm, dù cô bé tiếp tục chỉ thở bằng miệng vào ban đêm.

Cuối năm 2021, trong cuộc kiểm tra định kỳ, các bác sĩ thông báo rằng con gái Yang đã mất một phần thính giác do bị tổn thương bởi các khối phì đại của adenoid. Cô bé cũng có “adenoid face” điển hình.

Yang quyết định cho con gái phẫu thuật ngay. Nhưng người mẹ vẫn đeo bám mặc cảm tội lỗi vì sự do dự của gia đình khiến đứa trẻ phải trả giá bằng sức khỏe.

“Con bé cũng có vấn đề với việc tập trung. Tôi nghĩ đó cũng là hậu quả của việc điều trị không kịp thời. Nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì để bù đắp”, cô đau lòng nói.

Các cô gái khoe tiêm filler như thể trưng túi hiệu

Các chuyên gia cho rằng người tiêm chất làm đầy có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng về tinh thần lẫn thể chất trừ khi ngành công nghiệp này được kiểm soát và chuyên nghiệp hóa.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm