Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52 cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25 cm, năm thứ 2 tăng 12 cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7 cm. Từ 4 đến 11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 6 cm/năm. Đến tuổi dậy thì, dưới tác động chính của hormone sinh dục, chiều cao của trẻ sẽ tăng vọt trung bình 8-20 cm. Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, trẻ có khả năng bị chậm tăng trưởng chiều cao.
Thiếu hormone tăng trưởng (growth hormone) là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Hormone tăng trưởng đóng vai trò quyết định chiều cao trong giai đoạn phát triển của trẻ. Do đó, khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích hormone tăng trưởng không đủ sẽ dẫn đến thiếu hormone tăng trưởng, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao bình thường của trẻ.
Tầm soát sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp cải thiện chiều cao con trẻ |
Nguyên nhân gây thiếu hormone tăng trưởng có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não... Trong một số trường hợp, việc thiếu hormone tăng trưởng không xác định được nguyên nhân.
TS. BS. Trần Quang Khánh, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết việc điều trị bằng hormone tăng trưởng có thể giúp trẻ cải thiện được chiều cao và cần phải tiến hành trong giai đoạn từ 4 đến 13 tuổi. Khi trẻ đã dậy thì, các sụn đầu xương của bé đã đóng lại dẫn đến việc sử dụng hormone tăng trưởng không còn hiệu quả.
“Nếu nghi ngờ con chậm tăng trưởng chiều cao, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên môn để khám và tầm soát sớm”, bác sĩ Khánh cho biết.
TS. BS. Trần Quang Khánh thăm khám cho một trường hợp nghi ngờ mắc chứng chậm tăng trưởng chiều cao. |
Trong những năm gần đây, việc chẩn đoán và điều trị chậm tăng trưởng chiều cao bằng hormone tăng trưởng bắt đầu được quan tâm. Không chỉ áp dụng cho trường hợp trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng, điều trị bằng hormone tăng trưởng còn được chỉ định áp dụng trong các trường hợp gây ra do những nguyên nhân khác như hội chứng turner, bệnh thận mãn, trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai…
TS Khánh cũng lưu ý các bậc phụ huynh không nên nhầm lẫn còi xương và chậm tăng trưởng chiều cao. Bệnh còi xương ở trẻ thường do cơ thể thiếu vitamin D ảnh hưởng đến chuyển hóa và hấp thu canxi, photphat. Trong khi đó, chậm tăng trưởng chiều cao có thể liên quan đến thiếu hụt hormone tăng trưởng. Vì vậy, tích cực bồi bổ sẽ không giúp trẻ tăng chiều cao nếu trẻ thiếu hormone tăng trưởng.
Để biết chính xác tình trạng của trẻ, phụ huynh có thể cho trẻ tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Trẻ sẽ được khám lâm sàng và chụp X-quang xương bàn tay khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám miễn phí các trường hợp chậm tăng trưởng. |
Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí cho trẻ em trước độ tuổi dậy thì tại khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (lầu 3 khu A, số 468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP.HCM). Thời gian từ nay đến 5/8.
Cách thức đăng ký:
Trực tiếp đăng ký và cho trẻ khám miễn phí tại bệnh viện vào các buổi sáng thứ bảy và chủ nhật trong thời gian tổ chức chương trình.
Gọi đến hotline: 0915324754 (giờ hành chính: 8h-16h từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần) để đặt lịch hẹn.