"Ngọc trong đá" là chủ đề chính của lễ Macchabees, ngày tri ân người hiến thi thể cho khoa học được sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, tổ chức.
|
Theo hồ sơ lưu trữ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch bắt đầu có những hồ sơ hiến xác đầu tiên vào năm 1993. Biểu tượng năm nay của lễ Macchabees là "Ngọc trong đá" với hàm ý bên trong những thi hài đã mất đi sức sống là một tinh hoa cao khiết dâng tặng cho đời như những viên ngọc sáng bên trong viên đá xù xì cứng lạnh.
|
|
PGS.TS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Pham Ngọc Thạch, Trưởng bộ môn giải phẫu học phát biểu tri ân những người cá nhân cao cả đã hiến tặng thi thể mình cho y học, vượt qua những lẽ thường: "Hơn ai hết, chính chúng tôi là những người cảm nhận và tri ân chân thành nhất đối với sự hy sinh vô tư nhưng quý giá của các vị. Dù khoa học đã phát triển, dù cho các phương tiện phục vụ học tập hiện đại, sự có mặt của quý vị ở nơi đây vẫn mãi là phương tiện tốt nhất, không thể thay thế và thiêng liêng nhất trong sự nghiệp đào tạo y khoa".
|
|
Tất cả sinh viên năm nhất khi bước vào Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đều phải tham dự lễ Macchabees. Lễ hội tổ chức thường niên nhằm giáo dục y đức, tạo động lực cho những sinh viên y khoa có khát vọng vượt lên những khó khăn trong học tập vươn tới mục tiêu cao cả sống tận hiến, giúp sức cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính những "thể phách" được hiến tặng cũng là những người thầy đặc biệt không đứng trên bục giảng, không diễn thuyết hùng hồn, nhưng trao cho sinh viên y khoa kiến thức, tấm lòng vị tha và đức hy sinh.
|
|
Sau 25 năm trường đã nhận 196 thi hài phục vụ giảng dạy. Hiện trường đã tiếp nhận 658 hồ sơ đăng ký hiến xác vì mục đích y học. Riêng năm 2017, trường đã tiếp nhận mới 26 thi thể để phục vụ công tác đào tạo trước và sau đại học cho đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ. Chính từ những thân xác dành tặng cho khoa học này, những luận án thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được thực hiện. |
|
Buổi lễ tri ân là sự kiện thiêng liêng đối với sinh viên y khoa. "Thể phách người cho không tính toán/Tinh anh đời giữ mãi trường tồn" là hai câu đối được đặt trang trọng ngay trong phòng giải phẫu, nơi những thi thể vẫn lặng lẽ cống hiến cho y học. |
|
Lễ hội Macchabees là cơ hội để những người có người thân hiến thi thể cho y học được gặp lại nhau. Với gia đình họ vẫn còn sống mãi trong tim người ở lại, cái chết với họ chỉ đơn giản là giấc ngủ. |
|
Bà Trần Thị Ngọc Oanh (60 tuổi), tham dự buổi lễ để gặp lại người chồng ra đi đột ngột cách đây nửa tháng. Bà và con trai lặng người thật lâu ngắm nhìn chồng, cha mỉm cười trong giấc ngủ sâu. |
|
Người phụ nữ kìm nén giọt nước mắt chực chờ rơi khi gặp lại người thân tại buổi lễ Macchabees. |
|
Ngày 24/12/2005, đứa con trai ông Nguyễn Phi Hùng qua đời vì bạo bệnh. Khi đó, anh chỉ mới 25 tuổi. Chàng trai mất vào lúc 12h và chỉ bên cạnh gia đình 3 tiếng. Sau đó, thi thể chàng trai này được chuyển về khoa giải phẫu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để tiếp tục phần đời tiếp theo tận hiến cho y học. Nỗi đau chồng chất nỗi đau với gia đình ông khi mất đi người thân mà còn mang thêm tiếng đời vì nghèo quá phải "bán" con. Gạt bỏ những điều tiếng, ông và gia đình đã đăng ký hiến thi thể cho y học sau khi qua đời. |
|
Không khí buổi lễ thiêng liêng, bao trùm là cảm xúc biết ơn đối với những người đã hiến xác cho y học. |
|
Chàng sinh viên năm nhất không kìm nén được nước mắt khi đứng trước người thầy đặc biệt sẽ theo anh suốt quãng đời học tập. |
|
Hai thế hệ cúi đầu trước anh linh người đã mất. Người con trai ông Thạch Vương gặp lại ông sau nửa tháng xa cách. |
|
Sự kiện này được rất nhiều trường y trên cả nước tổ chức để tri ân người hiến xác. |
|
Hành động hiến xác không chỉ có ý nghĩa phục vụ y học mà con thể hiện tinh thần hy sinh cao cả vì cộng đồng. |
Tri ân người hiến xác
hiến xác vì khoa học
macchabee
đại học y Phạm Ngọc Thạch