Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con trai nữ bác sĩ đầu tiên hiến giác mạc đăng ký hiến tạng

Bác sĩ Hoàng Thanh Tùng cho biết việc đăng ký hiến tạng như sự tiếp nối những điều tốt đẹp mà mẹ đã làm khi còn sống.

Ngày 30/8/2016, bác sĩ Vũ Thị Thoa, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bộ Công an 19/8, trút hơi thở cuối cùng do diễn biến quá nặng của căn bệnh ung thư vú sau 20 năm chống chọi.

Trước khi ra đi, nữ bác sĩ đã kịp đăng ký hiến tạng. Mong ước được cho đi nhiều hơn, nhưng căn bệnh đã tàn phá cơ thể khiến chị chỉ có thể hiến tặng giác mạc. Nhờ đó, hai người khác đã có thể nhìn thấy ánh sáng.

Hơn một năm sau, bác sĩ Hoàng Thanh Tùng - con trai bác sĩ Vũ Thị Thoa -cũng đến Trung tâm điều phối tạng Quốc gia đăng ký hiến tạng (sau khi chết) ngay sau khi vừa bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp bác sĩ Nội trú như một sự tiếp nối những điều tốt đẹp mà mẹ của mình đã làm khi còn sống.

“Tôi lớn lên khỏe mạnh, được học hành và có nhiều cơ hội thực sự là một điều may mắn. Khi may mắn đến với tôi, sẽ có bất hạnh rơi vào người khác. Tôi muốn làm một điều gì đó để cảm tạ cuộc đời, vì rất nhiều số phận cần sự giúp đỡ. Nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh mòn mỏi đợi chờ hiến tạng mới hiểu được sự giá trị của việc làm này”, bác sĩ Tùng chia sẻ.

dang ky hien tang anh 1
Ths. BS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia trao tấm thẻ hiến tạng cho Bs. Hoàng Thanh Tùng . Ảnh: TL.

Mong muốn hiến tạng là dự định đã có từ rất lâu của bác sĩ. Và hành động hiến tạng của người mẹ quá cố càng khiến quyết tâm của Tùng mãnh liệt hơn.

Theo đuổi chuyên ngành mắt, bác sĩ Tùng tự nhận thấy nguồn giác mạc tại Việt Nam rất khan hiếm. “Tâm nguyện của mẹ khi còn sống là được hiến giác mạc để giúp đỡ cho những bệnh nhân không may mắn. Ca ghép giác mạc cho hai bệnh nhân nhận từ mẹ tôi khá thành công. Sau ghép, bệnh nhân đã nhìn thấy ánh sáng”, anh cho biết.

Tự nhận hành động đăng ký hiến tạng của mình không có gì quá đặc biệt,  bác sĩ trẻ rất mong muốn hành động hiến tạng của mình có thể làm thay đổi quan điểm mọi người xung quanh về việc làm thiện nguyện này.

Chia sẻ tại buổi đăng ký hiến tạng của bác sĩ trẻ Hoàng Thanh Tùng, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia - cho biết bất kỳ ai cũng có thể đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não.

Trong đó, hiến giác mạc chỉ thực hiện sau khi mất. Một người mất do tuổi cao hay bất kể lý do gì kể cả bệnh nan y như ung thư, người có thị lực kém (cận, viễn, loạn, đục thủy tinh thể...) hay đã từng phẫu thuật về mắt mà giác mạc vẫn còn tốt vẫn có thể hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho hai bệnh nhân mù.

Giác mạc hiến tặng được lấy trong khoảng từ 6-8 tiếng sau khi người hiến qua đời. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến khuôn mặt người hiến.

Hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời của người dân gồm: Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Mẹ gọi điện cho bác sĩ xin hiến tạng con trai

Đau đớn vì con trai chết lâm sàng sau khi bị tai nạn giao thông, người mẹ vẫn quyết định gọi đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để xin hiến toàn bộ nội tạng của con.


HQ

Bạn có thể quan tâm