Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trích thơ 'Thương ông' gây tranh cãi: Chủ biên SGK nói gì?

“Đây hoàn toàn là những lựa chọn có chủ định của nhóm tác giả làm sách. Thơ thì không được sửa dù một chữ nhưng chọn đoạn nào để dạy thì phải cân nhắc nhiều".

Đó là những chia sẻ của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 xung quanh câu chuyện về trích đoạn bài thơ Thương ông đang gây tranh cãi trên mạng mấy hôm nay.

- Ông có thể cho biết chủ định của những người làm sách khi có những sự thay đổi trong trích dẫn bài thơ “Thương ông” trong sách Tiếng Việt lớp 2 hiện hành so với trước đây?

- Bài thơ Thương ông của Tú Mỡ rất dài (168 chữ), khi đưa vào SGK lớp 2 phải rút ngắn (còn 112 chữ) để đảm bảo yêu cầu về số chữ của một bài tập đọc dạy trong 1 tiết học.

Bài Thương ông trong SGK cũ, tuy là dạy cho lớp 4 nhưng cũng chỉ dạy trích đoạn, chứ không dạy trọn bài. Chỉ có điều phần trích trong sách cũ có những từ ngữ không đảm bảo chuẩn mực tiếng Việt do ép vần (ví dụ: “khập khiễng khập khà”) và những câu khá “nôm na” (ví dụ: “bước chân quá khó”; “trong lòng vui sướng”…).

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2.

Chắc bạn đọc cũng đồng ý với chúng tôi là SGK cần dạy học sinh từ ngữ chuẩn và những câu thơ hay, nếu không giàu hình tượng thì cũng phải giàu cảm xúc hoặc có những chi tiết đặc sắc.

So với SGK lớp 4 cũ, trích đoạn trong SGK Tiếng Việt lớp 2 hiện hành nghiêng về những khổ thơ cuối bài. Mấy khổ này có chi tiết thú vị là Việt (tên cháu bé) bày cho ông niệm thần chú để không đau nữa và khi ông bảo câu thần chú ấy rất hiệu nghiệm thì “Việt ta thích chí: Cháu đã bảo mà…! Và móc túi ra: Biếu ông cái kẹo!”.

Hai chi tiết này dựng lên hình ảnh một cậu bé rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, hợp với tâm lý học sinh lớp 2 hơn. Theo tôi, cái thần của bài thơ nằm chính ở những chi tiết này.

Đây hoàn toàn là sự lựa chọn có chủ định của nhóm tác giả sách giáo khoa chứ không hề có lỗi biên tập hay kỹ thuật. Thơ thì không được sửa dù một chữ nhưng chọn đoạn nào để mà dạy, ghép như thế nào thì chúng tôi phải cân nhắc nhiều mặt. Hơn nữa, trên đề mục cũng ghi rõ là trích chứ không để người đọc hiểu đó là toàn bộ bài thơ.

- Dư luận có những ý kiến phản ánh cho rằng việc trích bài thơ như sách giáo khoa Tiếng việt lớp 2 hiện hành tuy nội dung không thay đổi nhưng vẫn có cảm giác làm mất đi vần nhịp, không xuôi tai, thậm chí là khó để có thể nhớ được. Ông có thể giải thích về điều này?

- Cũng có thể do ấn tượng của một số độc giả với bài thơ ở sách giáo khoa trước đây quá sâu đậm. Ngoài ra, phải nhấn mạnh là mục đích dạy một tác phẩm văn học không phải để học thuộc lòng. Đối với bài thơ này những người soạn sách giáo khoa cũng chỉ yêu cầu học sinh học thuộc lòng một khổ thơ mà các em thích, chứ không đòi hỏi các em phải nhớ cả bài. Mà trong một khổ thơ thì nhịp, vần đều đảm bảo.

Chúng tôi tôn trọng tình cảm của những độc giả đã từng học bài thơ này thời cải cách giáo dục (1979 – 2001) đối với quyển sách giáo khoa gắn với kỷ niệm về tuổi thơ, mái trường và thầy cô của họ. Nhưng chúng tôi có quan điểm lựa chọn của mình.

Học sinh học chương trình hiện hành, không gắn với kỷ niệm cũ thì vẫn thấy trích đoạn này bình thường. Trong xã hội, mỗi thế hệ có thể nâng niu những giá trị đã hình thành lâu năm ở mình nhưng không phải bao giờ đem những giá trị ấy soi vào cái mới cũng đúng.

Trích bài thơ gây tranh cãi.
Trích bài thơ gây tranh cãi.

- Thậm chí có những ý kiến còn cho rằng, việc trích như thế này còn làm giảm sự biểu hiện tình cảm ông cháu qua bài thơ, so với trước đây. Vậy ông nghĩ sao về điều đó?

- Tôi cho rằng bài thơ Thương ông trong SGK hiện hành vẫn giữ được đủ những ý như bài thơ ở sách giáo khoa lớp 4 trước đây. Vẫn có những hành động đẹp là ông bị đau chân và cháu còn bé đã biết đỡ ông lên thềm.

- Ngoài ra trích đoạn ở sách giáo khoa hiện hành còn bổ sung được những chi tiết thú vị ở phần cuối. Trích đoạn mới chỉ lược đi những câu nôm na quá hoặc dùng từ chưa chuẩn; và trong khi lược, vẫn cố gắng đảm bảo vần. Trong tay tôi có đầy đủ các tác phẩm, gồm cả thơ lẫn văn xuôi của Tú Mỡ và khi quyết định trích thì tôi đã nghiên cứu rất kỹ.

http://infonet.vn/trich-tho-thuong-ong-gay-tranh-cai-chu-bien-sach-giao-khoa-noi-gi-post148817.info

Theo Thanh Hùng/ Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm