Theo ông Đào Trọng Thi, nhìn chung, với kỳ thi chung 2 mục đích này, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông là một trong 2 mục tiêu quan trọng; và như vậy, tỷ lệ 91% là được vì cách khá xa tỷ lệ quá cao mà dư luận không đồng tình- 99%. Tuy nhiên, theo ông Thi, có sự chưa thỏa đáng giữa 2 loại cụm thi.
Ông Đào Trọng Thi. Ảnh: Tiền Phong. |
- Vì sao ông lại có ý kiến này?
- Tỷ lệ tốt nghiệp giữa 2 cụm ĐH và cụm địa phương thi cách nhau 10% là chưa thỏa đáng. Cụm ĐH đáng nhẽ phải có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao mới đúng vì cụm này toàn những thí sinh khá có mục tiêu xét tuyển ĐH; cụm thi địa phương gồm thí sinh khá, trung bình và kém lần mà tỷ lệ cao như vậy (cụm ĐH toàn thí sinh giỏi đáng nhẽ phải tốt nghiệp 100%!).
- Năm nay, 2 môn Toán và Ngoại ngữ có quá nhiều điểm liệt, điểm kém (môn Toán 40.000 điểm liệt, môn Ngoại ngữ phổ điểm chính là 2 và 3 điểm). Ông nhận xét gì về điều này?
Các kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ trước kia thì điểm liệt rất nhiều, không chỉ môn Toán hay Ngoại ngữ mà tất cả các môn. Nếu vẫn chỉ là mục tiêu xét tuyển vào ĐH, CĐ thì điểm liệt như năm nay là không nhiều nhưng kỳ thi còn mục tiêu tốt nghiệp THPT nữa và với mục tiêu này thì điểm liệt như thế là quá nhiều.
Câu hỏi đặt ra là có khắc phục được điều này không và câu trả lời là khó khắc phục vì đề thi phục vụ 2 mục đích yêu câu đề cao hơn đề thi tốt nghiệp và thấp hơn đề thi tuyển sinh. Điều này dẫn đến một điều còn đáng lo ngại hơn: không thể kết hợp được 2 kỳ thi; không thể kết hợp được 2 mục tiêu. Đó chính là triết lý của kỳ thi chứ không chỉ là chuyện điểm trác!
- Theo ông, quá nhiều điểm liệt, điểm kém của các môn, đặc biệt Toán và Ngoại ngữ nói lên điều gì?
- Như tôi đã nói, môn Toán có khoảng 60-70% câu hỏi của đề thi dễ hơn cả câu hỏi cơ bản của đề thi tốt nghiệp các năm trước và cho không thí sinh 5-6 điểm. Ngay cả thế cũng nhiều điểm liệt.
40.000 điểm liệt không phải là con số nhỏ và điều này báo động về chất lượng của số học sinh phía dưới đến tôi cũng không nghĩ đến tình huống ấy! Điều này làm tôi liên tưởng đến thí sinh thi Văn vào phòng thi vẽ vời, làm thơ… tốt nghiệp thì phải thi chứ. Toán và Ngoại ngữ chiếm 2/3 môn thi bắt buộc cơ mà!
Kết quả thi môn Ngoại ngữ, ở đây là môn tiếng Anh, rất đáng báo động: một bộ phận thí sinh bên dưới quá yếu. Vài năm trở lại đây, Bộ nay ra đề theo hướng đánh giá năng lực nhiều hơn và, rất có thể, trong thời gian qua chưa dạy theo hướng đó. Hai là chất lượng của bản thân chương trình, năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên có vấn đề và chưa tạo lập được thói quen học tập và sử dụng ngôn ngữ trong nhà trường…
Một cách nghiêm túc mà nhìn nhận, chúng ta phải nhìn thẳng vào kết quả lần này mà rút kinh nghiệm việc làm chương trình, sách giáo khoa và giảng dạy ở trường phổ thông trong thời gian tới, khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Vì sao môn tiếng Anh nhiều điểm thấp?
Từ xưa đến nay chúng ta rất dễ tính trong chuyện cho học sinh tốt nghiệp THPT, chỉ biết tiếng Anh lờ mờ là có thể tốt nghiệp.
Với đề thi năm nay, một đề thi quá khó để tốt nghiệp THPT và khó chọn vào ĐH vì dễ thì kết quả như thế là dễ hiểu.
Phần khó thực chất không hoàn toàn nằm ở bài tự luận như dư luận dự đoán mà nằm ở bài đọc, từ vựng và ngữ pháp. Ở phần bài tự luận, còn một nguy cơ nữa bất công bằng cho thí sinh là, rất có thể, phụ thuộc vào việc chấm và thang điểm không công bằng do, có thể tỷ lệ điểm của bài luận cao quá hoặc chỉ cần sai 1 lỗi ngữ pháp hay chính tả là bị trừ điểm…
(Hoàng Tất Trường, nguyên Chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh, Khoa Anh trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN)