Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy và học tiếng Anh: Đổi mới thi, lộ bất cập

Kết quả thấp thảm hại của môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia thật sự bất ngờ, khi tưởng rằng sự đầu tư cấp tập thúc đẩy chất lượng dạy học ngoại ngữ đã mang lại chuyển biến tích.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận:

- Theo dữ liệu điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia và phổ điểm các môn thi vừa công bố, môn tiếng Anh có số thí sinh đạt mức điểm trung bình trở lên ít, phổ điểm tập trung ở mức 2 - 3,5 điểm. Đây là môn có kết quả thi thấp nhất trong số tám môn thi của kỳ thi THPT quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

- Theo thứ trưởng, điều này có phản ánh đúng trình độ tiếng Anh của học sinh không?

- Điều này phản ánh một phần những bất cập trong chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc phổ thông nói chung. So với các môn khác, môn tiếng Anh có chất lượng dạy học rất khác nhau giữa các địa phương.

Đây là phổ điểm chung của toàn quốc, trong đó có những địa phương điều kiện dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng còn nhiều bất cập, việc đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ chậm, thí sinh ít có điều kiện tiếp cận phương thức kiểm tra, đánh giá mới và định hướng ra đề thi năm nay. Kết quả điểm thi dưới trung bình chủ yếu ở các địa phương này.

Ở các cụm thi tập trung thí sinh ở đô thị lớn, thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ với tổ hợp môn thi có môn ngoại ngữ thì điểm thi môn tiếng Anh khả quan hơn.

Xét trên bình diện chung, kết quả ngoại ngữ thấp như vậy đúng là điều đáng suy nghĩ. Đây là “thước đo” chất lượng dạy học, trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông để Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp cụ thể và dài hơi hơn, tạo nên chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đề án ngoại ngữ vẫn tập trung đào tạo Tiếng Anh 'chết'

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, môn ngoại ngữ cho thấy nhiều điều đáng buồn. Một phần nguyên nhân là chú trọng đào tạo Tiếng Anh thiếu thực tế.

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, môn ngoại ngữ cũng là môn thi bắt buộc nhưng kết quả thi không quá thấp như năm nay. Phải chăng do việc coi thi, chấm thi nghiêm túc hơn thì kết quả thi mới phản ánh đúng chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông hiện nay? Việc đổi mới ra đề thi cũng có ảnh hưởng tới kết quả không?

- Coi thi, chấm thi nghiêm túc hơn tất nhiên sẽ cho kết quả thi thực chất hơn. Điều này không chỉ thể hiện ở môn tiếng Anh mà ở tất cả môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Cũng cần nói thêm trong lộ trình đổi mới dạy và học ngoại ngữ, chương trình môn tiếng Anh thí điểm mới chỉ được áp dụng chưa đến lớp 12.

Ở các trường THPT, việc đổi mới dạy học ngoại ngữ chủ yếu đạt được ở nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ về tiếng nước ngoài và bước đầu áp dụng phương pháp dạy học mới; chương trình, sách giáo khoa và phương pháp đánh giá trong quá trình dạy học vẫn chưa thay đổi, do vậy chất lượng học tập chưa có sự tiến bộ nhiều.

Với chủ trương lấy đổi mới thi, kiểm tra là một đột phá để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, ở kỳ thi năm nay đề thi bao gồm cả phần cơ bản và nâng cao để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa phân hóa nhằm tuyển sinh 
ĐH-CĐ, đồng thời cũng tiếp cận định hướng dạy học phát triển năng lực người học.

Cách ra đề thi này đã khiến nhiều giáo viên và thí sinh quen với cách dạy, cách học cũ bộc lộ sự bất cập. Cũng bởi vậy, kết quả thi là thực tiễn để các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên phải tiếp tục sâu sát trong việc chỉ đạo, thực hiện điều chỉnh phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

- Đề án ngoại ngữ quốc gia trên thực tế đã được triển khai bốn năm, theo đánh giá của Bộ 
GD&ĐT bước đầu đã có kết quả khả quan, tạo được chuyển biến tích cực. Kết quả thi có ngược lại với đánh giá trên không? Có ý kiến cho rằng sau khi thực hiện đề án ngoại ngữ, trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông không tiến mà lại lùi?

- Điều đó không có nghĩa chất lượng học tập đã đi xuống. Qua thực tiễn chỉ đạo và đánh giá chung của xã hội cho thấy chất lượng học tập ngoại ngữ đang được cải thiện ở tất cả cấp học, nhất là ở các TP, thị xã.

Dù sao điểm thi như vậy đã cho thấy rõ hơn những hạn chế của bộ môn ngoại ngữ. Với yêu cầu đổi mới rất căn bản và toàn diện để chuyển từ môn học trang bị kiến thức sang môn học phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng nước ngoài trong môi trường xã hội tiếng Việt thì không thể có đột biến về chất lượng được.

Các tổ chức giáo dục quốc tế qua một số năm tổ chức các kỳ thi tiếng Anh cho học sinh, sinh viên Việt Nam đều đánh giá năng lực của học sinh, sinh viên Việt Nam nhìn chung còn hạn chế nhưng tốc độ tiến bộ rất nhanh.

Việc nhìn vào kết quả ở kỳ thi để so sánh với những nỗ lực đã làm mà chưa tính tới một xuất phát điểm có nhiều khó khăn, bất cập của đề án ngoại ngữ quốc gia là chưa xác đáng.

Làm giáo dục - cần lắm một tấm lòng!

Nhìn phổ điểm quá thấp của kết quả thi môn ngoại ngữ nhiều phụ huynh đã lo lắng, thời kỳ mở cửa mà con em chúng ta học ngoại ngữ kém quá làm sao hội nhập đây?

Những người có quan tâm đến giáo dục lại băn khoăn: Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là đề án 2020) đã được triển khai và đổ ra tiền tỷ, sao trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông lại bi đát đến như vậy? Thật sốc quá!

Sốc cũng phải, sốc vì những năm gần đây người ta yên tâm khi thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông lại xuất hiện những bài viết, hình ảnh học sinh Việt Nam tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn bè quốc tế (chưa kể những clip bé 5, 6 tuổi nói tiếng Anh trôi chảy không thua gì người bản ngữ).

Xã hội cũng yên tâm vì đã có đề án 2020 “phủ” trên khắp các tỉnh, thành của cả nước. Nhưng ít ai để ý một điều: bao nhiêu phần trăm số học sinh ở nông thôn giao tiếp được bằng tiếng Anh? Thực tế hầu hết số học sinh giao tiếp được chỉ tập trung ở các TP lớn.

Bao nhiêu phần trăm số học sinh giao tiếp được bằng tiếng Anh chỉ học trong nhà trường phổ thông theo chương trình của Bộ GD-ĐT? Thực tế hầu hết các em phải học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ với chương trình hiện đại, tiên tiến hoặc chí ít cũng tìm được ông thầy dạy ngoại ngữ giỏi.

Thậm chí khá nhiều phụ huynh có điều kiện đã cho con em mình học ngoại ngữ từ năm 3 tuổi.

Vậy nguyên nhân chính là chương trình, là phương pháp dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông còn yếu kém, còn lạc hậu, chưa hấp dẫn học sinh. Điều này không mới và cũng đã được Bộ GD&ĐT nhận ra trong quá trình xây dựng đề án 2020.

Thế mới có chuyện đổ ra tiền tỷ (theo quyết định về việc phê duyệt đề án 2020 của Thủ tướng Chính phủ: Kinh phí dự toán để thực hiện dự án giai đoạn 2008 - 2010 là 1.060 tỉ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 4.378 tỷ đồng) để bồi dưỡng - yêu cầu giáo viên phải học rồi thi cho đạt chuẩn để mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất cho việc dạy học ngoại ngữ; xây dựng - biên soạn chương trình mới...

Xét về mặt lý thuyết, đề án đã đi đúng hướng. Nhưng trên thực tế, quá trình nâng cao năng lực giáo viên không đạt được hiệu quả như ý muốn bởi những lớp bồi dưỡng được mở ra theo kiểu “để giải ngân” chứ không thực chất.

Đó là chưa kể tình trạng mua sắm trang thiết bị ồ ạt cũng theo kiểu “để giải ngân” với chi phí rất lớn trong khi giáo viên chưa được đào tạo sử dụng.

Thế mới có chuyện hàng loạt máy móc hiện đại, phần mềm dạy học hiện đại cài sẵn nhưng bị “trùm mền” vì giáo viên chưa biết sử dụng.

Thậm chí một phó hiệu trưởng trường phổ thông đã kể với chúng tôi: tiền chưa về đã có nhà cung cấp đến chào hàng với mức huê hồng đặc biệt: “Khi nào tiền về trả cũng được!”.

Người làm giáo dục - cần lắm một tấm lòng!

‘HS lớp 3 Singapore làm đúng gần hết đề Tiếng Anh’

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT kể, ông đưa đề thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 Singapore và em này làm gần như đúng hết các câu hỏi.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150726/day-hoc-tieng-anh-doi-moi-thi-lo-bat-cap/783180.html

Theo Vĩnh Hà - Hoàng Hương/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm