Dải điểm phổ quát 2-2,5 điểm cho thấy sự thất bại toàn diện của chương trình đào tạo Tiếng Anh bậc phổ thông những năm qua.
Đó là sự lãng phí tiền của cấp quốc gia. Nó làm chúng ta lỡ nhịp thời đại trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục lỡ nhịp thời đại trong nhiều năm nữa.
Đề án đào tạo ngoại ngữ quốc gia của chúng ta bao năm nay vẫn chỉ tập trung thứ Tiếng Anh "chết": Không có kỹ năng thực hành, chỉ thi viết về từ vựng, ngữ pháp và đọc hiểu. Những thứ đơn thuần là giải bài tập.
Đây vốn là chương trình và kiểu thi lạc hậu khủng khiếp rồi, nhưng với kiểu dạy và học hướng mạnh vào giải bài tập như ở các trường học của chúng ta, đáng lẽ học sinh phải đạt điểm cao mới phải chứ?
Vậy mà không phải như vậy.
Học trò của ta đúng là dốt Tiếng Anh thật nhưng có lẽ lỗi không phải ở các em. Lỗi ở một chương trình đào tạo lạc hậu và cách dạy và học nhàm chán, khiến học sinh không chỉ khó tiếp thu mà còn chán học nữa.
Chúng tôi cho rằng, ngoài chương trình lạc hậu và kém hiệu quả của đề án đào tạo ngoại ngữ quốc gia, cách tổ chức dạy và học Tiếng Anh còn "có vấn đề": Một số giáo viên dạy môn học này còn rất yếu kém, ngay cả tại Hà Nội và TP HCM.
Vậy có phải Tiếng Anh ở bậc phổ thông quá khó nên giáo viên và học sinh có nhiều năm học như vậy?
Câu trả lời là "không".
Với đề thi của môn Tiếng Anh trong kỳ thi quốc gia vừa qua, ngay cả khi đạt điểm 10, trình độ đó quy ra kỳ thi IELTS chắc khoảng 3.0 (trên thang điểm của kỳ thi này). Phổ điểm của học sinh trong kỳ thi này chủ yếu 2 đến 2,5 điểm, quy ra IELTS, có lẽ các em chỉ đạt 1.0
Vậy là sau 12 năm phổ thông, các em vẫn hoàn toàn dốt Tiếng Anh.
Chúng ta có thể làm gì?
Phải thay đổi ngay lập tức và thật sự tiếp thu mang tính xây dựng.
Bộ GD&ĐT nên mời những người tài năng thật sự trong lĩnh vực đào tạo Tiếng Anh phổ thông. Đề án đào tạo ngoại ngữ giai đoạn tới đang làm cần được mang ra bàn thảo và phản biện mạnh mẽ, tận gốc rễ bởi các đơn vị độc lập khác.
Có như thế, chúng ta mới không bị tiếp tục lãng phí các thế hệ học sinh phổ thông tiếp theo.
Là học sinh vừa tham gia kỳ thi THPT quốc gia, cháu thừa nhận việc phổ điểm môn Tiếng Anh thấp là có một phần trách nhiệm của học sinh chúng cháu. Lấy ví dụ như bạn bè cháu, các giáo viên phải rất khó khăn khi ôn tập môn Anh cho các bạn.
Cháu học khá môn này, năm nay lại được miễn thi Anh văn vì đã có chứng chỉ IELTS, nhưng cũng có nhiều lúc không có đủ nhiệt tình để học.
Lỗi của học sinh là chưa thật sự ý thức tầm quan trọng của môn Tiếng Anh, chưa cố gắng học và còn quá nhút nhát trong quá trình thực hành.
Thứ hai, thầy cô và việc xây dựng giáo trình học thế nào cũng có một phần trách nhiệm. Nhiều giáo viên năng nổ sáng tạo, nhưng nhiều người lại vẫn áp dụng cách dạy không hiệu quả, gây nhàm chán, thậm chí tạo gánh nặng cho học sinh.
Thêm vào đó, dù mang tiếng có cải cách nhưng thực sự giáo trình giảng dạy Anh văn hiện thời vẫn quá chú trọng những phần như Đọc - Viết, mà bỏ quên Nghe - Nói.
Thiết nghĩ, môn Anh văn cần được thực hành nhiều, thì những gì học sinh đọc và viết ra mới khắc sâu vào bộ nhớ được.
Cuối cùng, Bộ GD&ĐT nên đưa môn Tiếng Anh sớm vào chương trình học, tốt nhất là vào độ tuổi mầm non từ 4 đến 5 tuổi, vì đó là thời điểm kỹ năng tiếp thu và giao tiếp của các bé hình thành đầy đủ nhất!
Bạn đọc Louis Vũ
Bài viết khác của tác giả Nguyễn Tuấn Hải