Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triệu chứng, cách điều trị khi trẻ bị viêm phế quản

Viêm phế quản cấp tính là bệnh xảy ra khi phế quản (ống dẫn khí đến phổi) sưng lên, tạo ra chất nhầy dư thừa. Trẻ mắc bệnh thường bị ho.

Trẻ có thể bị viêm phế quản do virus hoặc vi khuẩn. Ảnh: Backtobasicshealthcarein.

Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) cho biết nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính thường là nhiễm virus. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xảy ra do vi khuẩn trong phế quản.

Viêm phế quản mạn tính là một khả năng khác. Theo một nghiên cứu năm 2022, nó khá hiếm ở trẻ em. Viêm phế quản mạn tính có triệu chứng tương tự viêm phế quản nhưng có thể kéo dài hơn nhiều, thường ngoài 4 tuần.

Triệu chứng trẻ bị viêm phế quản

Ho là dấu hiệu rõ ràng nhất khi bị viêm phế quản. Lúc ho, trẻ có thể có chất nhầy với màu từ trong đến vàng, xám hoặc xanh. Màu sắc chất nhầy không phải là dấu hiệu phế quản nhiễm trùng do vi khuẩn. Trẻ cũng có thể đau ngực khi ho.

Theo Healthline, các triệu chứng khác bao gồm sốt, ớn lạnh, viêm họng, nghẹt mũi, nhức đầu hoặc đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Thở khò khè và khó thở là các triệu chứng khác có thể xảy ra. Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết chúng liên quan nhiều hơn đến bệnh viêm phế quản mạn tính hoặc bệnh khác.

tre bi viem phe quan anh 1

Khoảng 95% trường hợp viêm phế quản cấp tính trong dân số nói chung là do virus. Ảnh: Familydoctor.

Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ

Trẻ có thể mắc nhiều loại viêm phế quản khác nhau tùy thuộc nguyên nhân gốc rễ. Trước khi đưa ra phương án điều trị, bác sĩ cần xác định xem bệnh viêm phế quản của con bạn là cấp tính (ngắn hạn) hay mạn tính (dài hạn) và do virus hay vi khuẩn.

Viêm phế quản do virus

Theo ALA, viêm phế quản cấp tính có thể do virus đường hô hấp trên như cảm lạnh thông thường hoặc cúm.Nó được gọi là viêm phế quản do virus. Bệnh có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nhưng theo CDC, cơn ho có thể kéo dài đến 3 tuần. Thông thường, khi mắc viêm phế quản do virus, trẻ sẽ tự khỏi ho. Virus không đáp ứng với kháng sinh.

Khoảng 95% trường hợp viêm phế quản cấp tính trong dân số nói chung là do virus.

Viêm phế quản do vi khuẩn

Nếu viêm phế quản cấp tính do phản ứng với vi khuẩn trong phế quản được gọi là viêm phế quản do vi khuẩn. Theo NHS, loại viêm phế quản này không phổ biến như viêm phế quản do virus. Triệu chứng của 2 loại gần giống nhau nhưng thời gian bệnh viêm phế quản do vi khuẩn thường ngắn hơn.

Chỉ 5% trường hợp viêm phế quản cấp tính trong dân số nói chung là do vi khuẩn.

Viêm phế quản mạn tính

Theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ (ATS), viêm phế quản mạn tính kéo dài hơn 4 tuần hoặc tái phát sau khi điều trị. Bệnh này liên quan đến hút thuốc và các thói quen khác. Do đó, bác sĩ hiếm khi chẩn đoán trẻ mắc viêm phế quản mạn tính.

Trong một nghiên cứu năm 2020 trên thanh thiếu niên Thụy Điển, chỉ khoảng 5,5% mắc viêm phế quản mạn tính. Khoảng 37% trong số họ hút thuốc.

Những trẻ có nguy cơ bị viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp là bệnh lý mà bất cứ trẻ nào cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, một số trẻ em có thể dễ bị bệnh này hơn những trẻ khác.

Các yếu tố rủi ro bao gồm hen suyễn, dị ứng, chẳng hạn dị ứng phấn hoa hoặc nước hoa, các vấn đề về xoang mạn tính, tiếp xúc với ô nhiễm ngoài trời, khói thuốc, sống trong một môi trường đông đúc.

Theo NHS, viêm phế quản cấp tính thường tự khỏi trong vòng 3 tuần. Nếu không, cha mẹ cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị phù hợp.

Nếu nhiễm trùng lan đến mô phổi, trẻ có thể bị viêm phổi. Thực tế, khoảng 1/20 trường hợp viêm phế quản dẫn đến viêm phổi. Thống kê này bao gồm cả những người trưởng thành có các vấn đề sức khỏe khác.

Nếu con bạn thường xuyên bị viêm phế quản và có một số yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể xem xét các tình trạng phổi khác như viêm phế quản mạn tính hoặc hen suyễn.

Điều trị viêm phế quản ở trẻ em

Trong trường hợp trẻ bị viêm phế quản do virus, điều trị bằng thuốc kháng sinh không có tác dụng. Thay vào đó, bác sĩ có thể đề nghị cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát mẻ nhằm giúp trẻ dễ thở. Trẻ lớn hơn (từ 4 tuổi trở lên) có thể dùng thuốc ho không kê đơn. Ngoài ra, cha mẹ có thể dùng mật ong để trẻ dịu cơn ho trong trường hợp trẻ trên một tuổi.

Trẻ cũng được điều trị các triệu chứng khác, như sốt hoặc đau đầu, bằng thuốc không kê đơn như acetaminophen hay ibuprofen. Nếu trẻ khó thở, bác sĩ có thể cho dùng ống hít.

Trong khi đó, theo ALA, bệnh viêm phế quản do vi khuẩn có thể tự khỏi mà không cần thuốc kháng sinh. Phương án điều trị thường là thuốc uống như amoxicillin cho từ 5 ngày đến 2 tuần. Bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp cùng với thiết bị hỗ trợ khác như ống hít hoặc máy phun sương để trẻ dễ thở nếu cần thiết.

Gia đình cần đưa con đến khám để kiểm tra các cơn ho, đặc biệt khi trẻ có các yếu tố nguy cơ như hen suyễn hay bệnh nền khác.

tre bi viem phe quan anh 2

Hướng dẫn trẻ che miệng, mũi khi ho có thể giúp ngăn ngừa bệnh lây lan. Ảnh: Knocksense.

Trẻ cần đến bác sĩ trong trường hợp khác như cơn ho kéo dài hơn 3 tuần; bị sốt trên 38 độ C; chất nhầy lẫn máu; khó thở; bị viêm phế quản từng cơn.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng ở trẻ, trẻ bị như vậy trong bao lâu, tiền sử vấn đề hô hấp. Sau đó, bác sĩ kiểm tra tai, mũi, họng của trẻ, nghe phổi. Thở khò khè là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phế quản.

Ngoài ra, sốt nhẹ là triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân viêm phế quản. Sốt cao là biểu hiện điển hình hơn của bệnh viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng khác.

Một số bác sĩ sẽ lấy mẫu chất nhầy để xét nghiệm nhằm xác định các loại vi khuẩn khác nhau. Một số người khác có thể đề nghị trẻ chụp X-quang để loại trừ viêm phổi nếu trẻ sốt hoặc có triệu chứng đáng lo ngại khác.

Cách phòng ngừa

Viêm phế quản có thể lây lan vì hầu hết do virus gây ra. Do đó, rửa tay thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh. CDC Mỹ cũng đề xuất cách ly trẻ mắc bệnh với những người khác khi cần.

Các phương pháp phòng ngừa khác là hướng dẫn trẻ ho, hắt hơi vào khuỷu tay hoặc che miệng, mũi khi ho. Người lớn tránh hút thuốc xung quanh trẻ hay để chúng tiếp xúc với khói thuốc hoặc các chất ô nhiễm khác.

Ngoài ra, cha mẹ cần cho con tiêm vaccine định kỳ, bao gồm vaccine cúm. Gia đình cũng cần đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, cho trẻ uống nhiều nước, ngủ đủ giờ.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe

Bốn cách tăng cường hệ miễn dịch để đối phó mùa cúm

Các nhà miễn dịch học và chuyên gia sức khỏe đưa ra 4 cách đơn giản để phòng cúm, đặc biệt khi mùa lạnh gần đến.

Nguyên Lê

Bạn có thể quan tâm