Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triệu chứng khó chịu sau khi ăn no

Ợ chua khiến nồng độ axit cao trong dịch dạ dày gây tổn thương vùng họng và thực quản.

Huỳnh Nhi (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) sống chung với chứng trào ngược dạ dày thực quản, ợ chua suốt hơn một năm qua. Chứng đau quặn bụng sau khi no khiến cô dần dần sợ những bữa ăn uống.

Sợ ăn no

Huỳnh Nhi cho biết sự thay đổi thời gian ăn uống, khẩu vị trong thời gian du học trước đó khiến cô gặp vấn đề dạ dày. Biểu hiện ngày càng rõ và nghiêm trọng khiến nữ sinh ảnh hưởng nhiều trong công việc và học tập.

"Mỗi khi ăn, nhất là mỗi bữa ăn no, tôi lại bị trào ngược dạ dày, ợ chua khiến miệng đắng ngắt. Trong cổ họng như có vật gì đó cản lại, nội tạng trong bụng như đang đánh vật. Đỉnh điểm là mới đây, tôi bị nôn dồn dập đến khi cảm giác trong bụng không còn thức ăn nhưng vẫn muốn ói", Nhi chia sẻ.

Nguyen nhan gay o chua anh 1

Kết quả siêu âm cho thấy Nhi gặp vấn đề tiêu hóa, thường xuyên trào ngược, ợ chua. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Do việc học bị ảnh hưởng nhiều, mới đây, Nhi đã đến khám tiêu hóa tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức). Bác sĩ kết luận nữ sinh bị trào ngược dạ dày - thực quản kèm hội chứng ruột kích thích.

"Mỗi lần ăn uống là đau bụng khiến tôi dần sợ ăn no, mỗi bữa chỉ dám ăn lượng vừa đủ. Tôi phải kiêng hẳn những món yêu thích như nước ngọt có ga và thức ăn cay để giúp dạ dày khỏe hơn", nữ sinh chia sẻ.

Khi nào ợ chua gây bệnh?

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Minh Luân, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ợ chua là tình trạng phổ biến có thể gặp ở bất kỳ ai.

Người bệnh thường có cảm giác nóng rát ở cổ họng hoặc giữa ngực (do acid dạ dày trào ngược lên thực quản - đường ống dẫn thức ăn từ miệng đến dạ dày), có vị chua trong miệng...

Rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ợ chua, bao gồm chế độ ăn uống (ăn thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, chocolate), thuốc lá, uống rượu, lười vận động, béo phì...

Nguyen nhan gay o chua anh 2

Người bị ợ chua với tần suất hơn 2 lần/tuần nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Ảnh minh họa: Medicalnewstoday.

Cơ chế xảy ra tình trạng ợ chua là cấu trúc nối giữa miệng đến thực quản, vào dạ dày có bộ phận gọi là cơ vòng thực quản dưới. Cơ vòng này hoạt động đóng - mở để thả thức ăn từ thực quản xuống dạ dày.

Khi không có động tác nuốt, cơ vòng này sẽ đóng lại, ngăn thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Ợ chua xảy ra khi cơ vòng không đóng kín.

Theo bác sĩ Luân, ợ chua ít ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, không ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người mắc được xem là ợ chua sinh lý.

Tuy nhiên, nếu tình trạng ợ chua xuất hiện thường xuyên, tái phát hơn 2 lần/tuần, bạn cần đi khám, vì rất có thể là triệu chứng của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày.

Bác sĩ Đặng Minh Luân khuyến cáo để dứt điểm tình trạng ợ chua, người mắc cần điều chỉnh lối sống hoặc điều trị với thuốc. Về lối sống, người bị ợ chua nên tập thói quen kê cao đầu khi ngủ, ăn uống đúng giờ, tránh ăn quá no.

Thời gian từ sau bữa ăn đến khi nằm là ít nhất 2 giờ. Việc nằm ngay sau khi ăn no sẽ khiến áp lực dạ dày tăng cao, dễ gây hiện tượng trào ngược.

Người bệnh nên áp dụng phương pháp chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không ăn quá no và vận động ngay sau ăn. Đặc biệt, trường hợp thuộc nhóm thừa cân, béo phì phải giảm cân khoa học.

Với trường hợp không cải thiện, bạn nên đến khám để kê thuốc hỗ trợ giảm nồng độ axit trong dạ dày.

Căn bệnh khiến người mắc liên tục ợ nóng và buồn nôn sau khi ăn

Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản thường bị nhầm lẫn sang những bệnh lý về tiêu hóa khác, dẫn đến tâm lý chủ quan ở người mắc.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm