Theo thống kê của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tần suất mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản đang có xu hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, ước tính có tới hơn 7 triệu người đang bị mắc bệnh trào ngược dạ dày. Các cơn trào ngược axit do bệnh này gây ra khiến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người mắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân căn bệnh khó chữa
Thông tin trên được chia sẻ bởi ThS.BS Cao Ngọc Tuấn, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Theo bác sĩ Tuấn, trào ngược dạ dày thực quản xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là do cơ thắt thực quản suy yếu, thoát vị hoành hoặc hoạt động tiết dịch của thực quản không còn hiệu quả.
Thứ hai, trào ngược dạ dày thực quản do dạ dày quá căng, chậm rỗng dạ dày hay rối loạn chức năng môn vị, tăng tiết axit.
Dựa vào các nhóm nguyên nhân gây bệnh, những triệu chứng xuất hiện cũng rất khác nhau. Các dấu hiệu điển hình là nóng rát vùng sau xương ức, ợ nóng, ợ chua, đắng miệng, chua miệng, nuốt khó hoặc đau, cảm giác đau ngực (không do tim), buồn nôn và nôn sau khi ăn.
Trào ngược dạ dày thực quản thường khiến người mắc nhầm lẫn với các bệnh lý về tim mạch hay tiêu hóa. Ảnh: Medicalnewstoday. |
"Các triệu chứng tuy có rất nhiều, nhưng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác về tiêu hóa hoặc tim mạch", bác sĩ Tuấn cho hay.
Nam bác sĩ cho biết cũng vì sự lầm tưởng này, một trường hợp mới đây ông tiếp nhận phải chịu đựng chứng bệnh này trong thời gian dài.
Trước đó, bà N.G.L. (45 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) đến khám với các triệu chứng như ợ nóng, buồn nôn sau ăn và khó tiêu. Việc ợ nóng, buồn nôn sau ăn khiến bà L. cảm thấy không thoải mái, ăn không đủ bữa, thường xuyên mệt mỏi.
Các triệu chứng đã xuất hiện trong một thời gian khá dài nhưng người bệnh chỉ tự mua thuốc uống. Đến khi thấy bệnh không thuyên giảm mới đến bệnh viện để khám và điều trị.
Tại khoa Tiêu hóa, bà L. được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản và uống thuốc theo đơn kê toa, điều chỉnh sinh hoạt. Sau một tháng điều trị, tinh thần bệnh nhân thoải mái hơn, các triệu chứng đã hoàn toàn biến mất và việc ăn uống cũng ổn định trở lại.
Chẩn đoán và điều trị
Theo ThS.BS Cao Ngọc Tuấn, trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý chẩn đoán được và có thể điều trị ổn định. Về chẩn đoán, người bệnh có thể được thực hiện test điều trị với thuốc ức chế tiết bơm Proton (PPI), đo pH thực quản 24 giờ, nội soi dạ dày thực quản.
"Việc người bệnh tự nhận biết các triệu chứng và chủ động mua thuốc uống tại nhà có thể khiến bệnh diễn biến nặng hơn. Vì vậy, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra chính xác, tránh trường hợp bỏ lỡ thời gian điều trị hiệu quả", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
ThS.BS Cao Ngọc Tuấn, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Nam Phương. |
Quá trình điều trị chứng này sẽ tùy thuộc vào tình trạng và mức độ của bệnh lý, chủ yếu thông qua điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thói quen hàng ngày và sử dụng thuốc cần thiết.
Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nhẹ sẽ được bác sĩ khuyến khích điều chỉnh và áp dụng lối sống lành mạnh như: Bỏ thói quen hút thuốc lá (nếu có), hạn chế đồ ăn dầu mỡ và có tính axit, hạn chế đồ uống có cồn hoặc có gas.
Người bệnh nên áp dụng phương pháp chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không ăn quá no và vận động ngay sau ăn. Đặc biệt, trường hợp thuộc nhóm thừa cân, béo phì phải giảm cân khoa học.
Nhiều phương pháp điều trị bệnh lý này như: Hướng dẫn điều chỉnh lối sống kết hợp các loại thuốc ức chế bơm proton, trợ vận động tiêu hóa, thuốc ngăn ngừa và bảo vệ tổn thương thực quản.
Ngoài ra, sự phối hợp với các chuyên khoa liên quan (Dinh dưỡng - Tiết chế, Ngoại Tiêu hóa, Tai mũi họng) cũng giúp đưa ra phương án điều trị tối ưu cho người bệnh.
Phương pháp phẫu thuật không được các chuyên gia khuyến khích bởi bệnh trào ngược dạ dày thực quản liên quan nhiều đến cơ chế khác nhau. Người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật khi điều trị nội khoa không thành công hoặc xuất hiện các biến chứng nặng, cơ vòng thực quản dưới bị tổn thương.
Bác sĩ Cao Ngọc Tuấn khuyến cáo bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, một số đối tượng thuộc nhóm yếu tố nguy cơ là người thừa cân hoặc béo phì, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ chua, dầu mỡ, ít vận động, nằm ngay sau ăn, người hút thuốc lá, phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ...