Tiến sĩ, bác sĩ Trần Mạnh Hùng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đơn vị vừa phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, thực quản cho nam sinh viên do uống hóa chất.
Trước khi vào viện, bệnh nhân đã uống 300 ml hóa chất tẩy rửa bồn cầu do áp lực bị đòi nợ. Người này được chuyển đến khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng cơ thể bắt đầu suy kiệt (BMI = 19), đau tức ngực sau xương ức, không nuốt được (kể cả nước bọt), kích thích, buồn nôn, nôn liên tục.
Sau khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện toàn bộ thực quản và dạ dày của bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng do chất ăn mòn gây co rút, chít hẹp thắt chặt toàn bộ thực quản và dạ dày.
Lòng thực quản có nhiều sẹo (do bỏng hoá chất gây nên) gây chít hẹp hoàn toàn thực quản ở đoạn thực quản cổ ngay dưới hầu, máy soi không thể đi sâu xuống được, vị trí hẹp cách cung răng trước 20 cm. Ngoài ra, thực quản của người bệnh bị teo hẹp trên một đoạn dài, hẹp ở nhiều vị trí, dạ dày bị teo nhỏ lại, thành dày.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phải cắt bỏ toàn bộ thực quản và dạ dày, dự kiến tạo hình lại đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải cho bệnh nhân.
Ê-kíp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bị bỏng thực quản do uống hóa chất. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ Trần Mạnh Hùng, người trực tiếp thực hiện ca mổ, cho biết đây là loại tổn thương hiếm gặp, cho đến nay trên thế giới chỉ có vài trường hợp được thông báo dưới dạng các ca lâm sàng.
Tuy nhiên, đó chỉ là các trường hợp cắt bỏ thực quản bị tổn thương do uống nước tẩy rửa bồn cầu mà chưa có ca nào phải cắt bỏ đồng thời cả thực quản và dạ dày được ghi nhận.
"Đây là phẫu thuật lớn, khó và rất phức tạp. Phẫu thuật tạo hình đường tiêu hóa với nhiều tạng lớn, có chức năng quan trọng, ở những vị trí khó phải cắt bỏ và phải lựa chọn bộ phận để tạo hình đường tiêu hóa với nhiều miệng nối khác nhau", bác sĩ Hùng cho biết.
Bác sĩ Hùng chia sẻ thực quản bệnh nhân bị bỏng toàn bộ nên rất dính với các tổ chức xung quanh, gây khó cho phẫu thuật viên trong việc phẫu tích thực quản ở ngực. Đặc biệt, giải phẫu thực quản ngực liên quan nhiều mạch máu lớn nên chỉ cần một lỗi nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh nhân cũng bị hẹp thực quản rất cao, ngay dưới hầu. Kíp phẫu thuật phải phẫu tích thực quản đoạn cổ lên cao để có thể lấy được hết tổn thương. Bên cạnh đó, bác sĩ phải lựa chọn bộ phận để thay thế cho cả thực quản và dạ dày để đảm bảo được chức năng vận chuyển, tiêu hóa thức ăn và chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật của bệnh nhân.
Sau 7 tiếng, ca mổ đã thành công, bệnh nhân không phải truyền máu trong và sau mổ, không xảy ra tai biến hay biến chứng. Sau mổ, người bệnh tỉnh táo.
Ngày thứ 3 sau mổ, bệnh nhân được rút dẫn lưu ngực và đã có trung tiện, đến ngày thứ 7 đã ăn được nước cháo, nuốt không nghẹn, đại tiện phân vàng. Hiện tại, nam sinh viên này phục hồi tốt và dự kiến được ra viện trong những ngày tới.