Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tổng số bệnh nhân khám và điều trị Covid-19 từ đầu năm đến nay tại các bệnh viện của Hà Nội là 303 người. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam có xu hướng tăng do yếu tố thời tiết, sự giảm miễn dịch và ý thức phòng bệnh của người dân.
Tình hình chưa nghiêm trọng
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, đang điều trị khoảng hơn 100 bệnh nhân Covid-19. Đây là cơ sở y tế điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất hiện nay.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết gần đây, số lượng bệnh nhân Covid-19 có tăng. Tuy nhiên, số ca nặng không có xu thế tăng. Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu là đối tượng nguy cơ cao như cao tuổi, người có bệnh lý nền. Ông khẳng định việc tăng số ca mắc không phải là điều bất thường của dịch bệnh này.
"Khả năng tốt nhất là chúng trở thành bệnh thông thường, có quy luật giống các loại Corona virus khác, gây theo mùa như bệnh cảm lạnh thông thường, khi thời tiết thay đổi sẽ gia tăng người mắc bệnh. Cũng có thể do căn nguyên khác, điều đó phải nghiên cứu tiếp", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp phân tích nguyên nhân số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng trở lại.
Hiện trên mạng xã hội lan truyền một số thông tin về Covid-19 như "điểm khác biệt là không ho, không sốt…", mà có biểu hiện "đau xương khớp, đau đầu, viêm phổi, không thèm ăn..." khiến người dân hoang mang.
Tuy nhiên, ông Cấp khẳng định triệu chứng ban đầu của các bệnh nhân mắc Covid-19 mới không thay đổi so với trước đây. Người bệnh chủ yếu gặp triệu chứng ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, đau nhức người… Việt Nam chưa ghi nhận triệu chứng mới ở người bệnh Covid-19.
"Dù số ca mắc có chiều hướng tăng, tình hình hiện tại chưa có gì nghiêm trọng", Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh.
Tin đồn về biến thể Omicron mới không có căn cứ lan truyền trên mạng. Ảnh: Facebook. |
Giải mã gene tìm biến chủng mới
Thạc sĩ Cấp cũng cho hay việc giải mã gene từ mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân Covid-19 vẫn được tiến hành thường xuyên để đánh giá xem biến chủng là gì, có điểm mới hay không. Khi phát hiện điểm mới và bất thường, chúng ta mới có thể đánh giá cụ thể tình hình và có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Các khảo sát trước đó chưa ghi nhận biến chủng mới xuất hiện tại Việt Nam. Hiện tại, chủng lưu hành đều là dòng phụ của Omicron, tương tự các nước trên thế giới.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết đối với việc giải trình tự gene, đây là công việc thường xuyên và phải làm.
Các chuyên gia vẫn thu thập, đặc biệt thu thập những sự bất thường ở các ổ dịch trong nước hoặc từ quốc tế. Giải trình tự gene sẽ được các đơn vị trải dài từ Bắc, Trung, Nam, biểu hiện khác thường đều sẽ được công bố.
"Qua quan sát từ thế giới, các biến thể phụ vẫn xuất hiện, nhưng vaccine vẫn có hiệu quả trong việc giảm ca bệnh nặng, nhập viện. Khi có biến thể mới làm giảm đi hiệu quả vaccine, hiệu lực của xét nghiệm, bệnh lây lan và tử vong cao, Bộ Y tế cũng đã có những kịch bản trong từng trường hợp", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.
Hiện biến thể phụ XBB.1.16 thuộc Omicron đang làm gia tăng đột ngột các ca mắc và sự lây lan ở Ấn Độ. WHO đang theo dõi biến thể này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay các triệu chứng bệnh do nó gây ra vẫn tương tự chủng virus cũ. Chưa ghi nhận sự gia tăng về độc lực dẫn tới tăng số ca nặng hay số ca tử vong do biến thể này.
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 1/4 đến nay số mắc Covid-19 trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ do đây là loại bệnh họ cúm lây truyền qua đường hô hấp và thường diễn biến tăng lên theo mùa, đặc biệt là dễ lây lan trong thời tiết nồm, ẩm như hiện nay.
Trong chiều 12/4, Bộ Y tế phát đi văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố sẵn sàng ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh sau thời gian ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh.
Lo ngại của Bộ Y tế là tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt độ bao phủ, trong khi đó, một số bệnh truyền nhiễm khác đang trong giai đoạn vào mùa, nguy cơ dịch chồng dịch cao.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra, rà soát vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nhất là nhóm nguy cơ cao.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.