TP.HCM tổ chức tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong 7 ngày vừa qua (5-11/4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc Covid-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó. Nhóm người bệnh từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 trường hợp (chiếm 30,2% số mắc mới). Đặc biệt, tổng số ca mắc mới ngày 12/4 là 261 ca, tiếp tục tăng gần gấp đôi so với ngày trước đó.
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng. Số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày. Trong khi đó, Bộ Y tế đánh giá tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Ca mắc tăng trở lại nhưng không hoàn toàn đáng lo
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, số ca mắc Covid-19 tăng trở lại nhưng hoàn toàn không đáng lo. Số lượng tăng này nằm trong dao động bình thường, giống với các quốc gia khác.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho biết việc tăng trở lại số ca bệnh không phải do biến chủng mới. Ông đánh giá nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thói quen phòng bệnh của người dân không còn chặt chẽ như trước.
Cùng quan điểm, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng cho biết số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian này, ngoài lý do là việc phòng bệnh của người dân không như trước, nguyên nhân khác là miễn dịch từ vaccine đã suy giảm.
Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tăng qua 3 ngày liên tiếp. Nguồn: BYT. |
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ ghi nhận có trường hợp bệnh nhân trẻ cũng phải thở oxy. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, cho biết bệnh nhân này vẫn diễn biến nặng dù đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Bệnh nhân vào viện điều trị một bệnh lý khác nhưng bị lây chéo Covid-19.
Do đó, bác sĩ Phúc cho biết người dân cần tăng cường phòng chống dịch hơn nữa, hạn chế nơi đông người, đeo khẩu trang để tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Có cần tiêm vaccine nhắc lại?
Trả lời vấn đề miễn dịch với virus SARS-CoV-2 suy giảm, có cần tiêm lại vaccine phòng Covid-19 không, chuyên gia Đỗ Văn Dũng cho rằng người dân nếu đã tiêm chủng đủ vaccine vẫn đủ miễn dịch bảo vệ tránh nguy cơ biến chứng nặng. Vì vậy, theo vị chuyên gia này không phải tất cả người dân, kể cả trẻ em, đều phải tiêm nhắc lại vaccine.
PGS Dũng khẳng định trẻ em khi đi học tại trường có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng đa phần triệu chứng nhẹ, thậm chí không bằng cúm mùa. Do đó, học sinh không cần phải tiêm bổ sung thêm vaccine.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, các quốc gia khác chỉ khuyến cáo người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) và người có bệnh nền cần tiêm phòng vaccine Covid-19 nhắc lại hàng năm để tăng cường miễn dịch. Họ không khuyến cáo cho các đối tượng khác phải tiêm nhắc lại.
Bác sĩ Vũ Minh Điền cũng cho rằng việc tiêm lại vaccine cho toàn bộ người dân là không cần thiết. Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới chỉ khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng có bệnh nền. Người khỏe mạnh bình thường không cần phải tiêm nhắc lại hàng năm.
Sau phiên họp từ ngày 20 đến 23/3, căn cứ vào mức độ miễn dịch cộng đồng đã đạt được khá cao trong dân số (do nhiễm bệnh và tiêm chủng) cũng như bức tranh tình hình dịch bệnh hiện tại do biến thể Omicron gây ra, Hội đồng Chuyên gia Tư vấn về Chiến lược Tiêm chủng của WHO đã ra khuyến nghị điều chỉnh lộ trình ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Cụ thể:
Nhóm ưu tiên cao: Tất cả người lớn tuổi; những người trẻ tuổi mắc các bệnh nền nghiêm trọng (ví dụ: Bệnh tiểu đường và bệnh tim); những người có tình trạng suy giảm miễn dịch (ví dụ: Người nhiễm HIV, người được ghép tạng), bao gồm cả trẻ em đến 6 tháng tuổi, người mang thai và nhân viên y tế tuyến đầu.
Đối với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, mặc dù tỷ lệ chung là thấp, gánh nặng do mắc Covid-19 nặng vẫn cao hơn so với nhóm trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, do đó cần tiêm cho nhóm này.
Đối với phụ nữ mang thai, việc tiêm phòng bao gồm cả liều bổ sung nếu đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ liều cuối cùng sẽ giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi, đồng thời giúp giảm khả năng trẻ sơ sinh phải nhập viện.
Đối với nhóm ưu tiên cao, cần tiêm nhắc lại sau 6 hoặc 12 tháng kể từ liều cuối cùng, với khoảng cách thời gian tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.
Nhóm ưu tiên trung bình: Bao gồm người lớn khỏe mạnh dưới 50-60 tuổi, không có bệnh đi kèm và nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh đi kèm. Cơ quan này đề xuất tiêm vaccine đủ liều cơ bản và thêm một liều nhắc lại. Mặc dù việc tiêm nhắc những liều tiếp theo cho nhóm này là an toàn, chuyên gia không khuyến nghị sử dụng thường quy do lợi ích mang đến cho sức khỏe cộng đồng tương đối thấp.
Nhóm ưu tiên thấp: Bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh từ 6 tháng đến 17 tuổi. Tiêm liều cơ bản và liều tăng cường là an toàn và hiệu quả cho nhóm này. Tuy nhiên, xét đến gánh nặng bệnh tật do Covid-19 trong nhóm này thấp, cơ quan này kêu gọi các quốc gia đang xem xét tiêm chủng cho nhóm tuổi này nên đưa ra cân nhắc dựa trên các yếu tố khác như gánh nặng bệnh tật, hiệu quả - chi phí và các ưu tiên khác của các chương trình sức khỏe khác.
WHO nhấn mạnh tác động đối với sức khỏe cộng đồng của việc tiêm phòng vaccine cho trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh là tương đối thấp hơn nhiều so với lợi ích mang lại của các loại vaccine thiết yếu truyền thống dành cho trẻ em - chẳng hạn các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, rotavirus, phế cầu khuẩn liên hợp...
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.