Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triệu chứng nhận biết môi bị cháy nắng

Khác với môi nứt nẻ, môi bị cháy nắng thường đỏ hơn bình thường, dễ sưng, đau nhức khi chạm vào. Trường hợp nặng có thể xuất hiện vết phồng rộp màu trắng và chứa dịch.

Đôi môi là khu vực dễ bị cháy nắng nhưng thường không được quan tâm. Ảnh: Health.

Một số bộ phận cơ thể dễ bị cháy nắng hơn những khu vực khác. Môi của bạn là một điểm đặc biệt dễ bị cháy nắng.

Khi bị cháy nắng, môi trở nên sưng tấy, mềm và đỏ. Trong một số trường hợp, mụn nước sẽ hình thành, tình trạng này tương tự cách mụn nước xuất hiện trên vùng da bị cháy nắng ở các bộ phận khác.

Môi của bạn dễ bị cháy nắng và tổn thương mạn tính do ánh nắng mặt trời có thể gây đau và tăng khả năng phát triển ung thư da. Môi dưới có nguy cơ bị ung thư da cao gấp 12 lần so với môi trên.

Nguyên nhân và triệu chứng

Theo tạp chí Health, đôi môi của bạn có nhiều khả năng bị cháy nắng hơn nếu bạn không bảo vệ chúng bằng các sản phẩm có SPF.

Tiến sĩ Debra Jaliman, bác sĩ da liễu tại New York (Mỹ), cho biết nhiều người có thói quen liếm môi, vì vậy, họ liếm sạch kem chống nắng.

"Một số người không bôi kem chống nắng vì họ có son môi hoặc son bóng và không muốn tẩy đi, nhưng các tia UV có hại sẽ xuyên qua sản phẩm này nếu nó không có khả năng chống nắng. Vì vậy, son dưỡng môi có SPF nên là một phần thiết yếu trong thói quen của bạn", tiến sĩ Debra chia sẻ với Health.

Tiến sĩ Sudheendra G Udbalker, chuyên gia tư vấn Da liễu, Bệnh viện Fortis, Bengaluru (Ấn Độ), nói với Healthshots nhiều người không nhận ra môi có thể bị cháy nắng và lầm tưởng đó là nứt nẻ. Nhưng 2 tình trạng này hoàn toàn khác nhau.

Môi nứt nẻ thường là kết quả của việc mất nước, điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc liếm môi quá nhiều, sử dụng một số loại thuốc và tình trạng bệnh lý. Môi nứt nẻ cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm môi.

"Trong khi đó, đôi môi bị cháy nắng thường do tiếp xúc với tia UV có hại của mặt trời mà không được bảo vệ, có thể dẫn đến đau, sưng tấy và bong tróc", chuyên gia này cho hay.

Các triệu chứng khi môi bị cháy nắng bao gồm:

  • Môi đỏ hơn bình thường
  • Môi sưng lên
  • Da môi đau nhức khi chạm vào
  • Phồng rộp trên môi. Các vết phồng có màu trắng và chứa dịch (trường hợp cháy nắng trung bình đến nặng).

Môi bị cháy nắng nhẹ thường kéo dài 3-5 ngày.

Moi bi chay nang anh 1

Nhiều người lầm tưởng triệu chứng khi môi bị cháy nắng và môi nứt nẻ, song 2 tình trạng này hoàn toàn khác nhau. Ảnh: Pexels.

Cách điều trị môi bị cháy nắng

Nếu không may môi của bạn bị cháy nắng, bạn có thể làm một số điều để giảm bớt sự khó chịu và thúc đẩy quá trình chữa lành:

- Uống thuốc giảm đau: Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp ích nếu bạn cảm thấy đau khi bị cháy nắng. Ví dụ, aspirin hoặc ibuprofen có thể làm giảm cảm giác khó chịu. NSAID cũng có thể điều trị môi sưng và đỏ.

- Chườm mát: Chườm lạnh lên môi có thể giúp giảm viêm, giảm đỏ và đau. Đơn giản chỉ cần giặt sạch một chiếc khăn mềm hoặc nhúng nó vào nước đá. Sau đó, nhẹ nhàng đặt khăn lên trên môi của bạn.

Sau khi bỏ khăn ra, bạn cần bôi kem dưỡng ẩm để làm giảm bong tróc, khô da. Kem dưỡng ẩm sẽ giúp giữ nước nếu bạn thoa khi môi còn ướt.

- Uống nhiều nước: Giữ nước là điều quan trọng để duy trì làn da và đôi môi khỏe mạnh. Uống nhiều nước có thể giúp giảm khô và viêm, đồng thời thúc đẩy quá trình lành bệnh. Đặc biệt, trong những tháng hè nóng nực, uống đủ nước không chỉ giúp bạn duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể mà còn cấp ẩm cho đôi môi.

- Sử dụng lô hội: Không có gì nhẹ nhàng và mát mẻ hơn gel lô hội. Gel lô hội có thể giúp làm dịu da bị viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành. Gel lô hội có hiệu quả trong việc điều trị nhiều tình trạng da khác nhau, bao gồm bỏng, vết thương và viêm.

Điều cần tránh:

  • Tránh bất kỳ sản phẩm nào có "-caine" được liệt kê, chẳng hạn lidocaine hoặc benzocaine. Chúng có thể gây kích ứng hoặc phản ứng dị ứng trên da.
  • Tránh các sản phẩm chiết xuất từ dầu mỏ. Chúng gây kích ứng vết phồng rộp.
  • Nếu môi bị cháy nắng dẫn đến phồng rộp và sưng tấy, hãy tránh làm vỡ các vết phồng này.
  • Tránh sử dụng son môi hoặc son bóng khi môi bị cháy nắng vì một số sản phẩm chứa các thành phần sắc tố và sáp, làm khô hoặc kích ứng môi. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng môi bị cháy nắng, tốt nhất nên tránh mỹ phẩm cho đến khi môi lành hẳn.
  • Tránh lột da môi. Điều này có thể làm chậm quá trình lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm. Nghiên cứu của Học viện Da liễu Mỹ (AAD) cho thấy điều này có thể dẫn đến chu kỳ viêm nhiễm và tổn thương khó phá vỡ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn có thể điều trị hầu hết trường hợp môi bị cháy nắng bằng các biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, hãy gặp cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng bao gồm:

  • Môi sưng tấy nghiêm trọng
  • Sưng lưỡi
  • Phát ban
  • Cảm thấy chóng mặt
  • Thở nhanh, nhịp tim nhanh
  • Cảm thấy khát nhưng không đi tiểu được
  • Da nhợt nhạt, ẩm ướt
  • Buồn nôn
  • Sốt và ớn lạnh
  • Mắt trũng nhạy cảm với ánh sáng
  • Mụn nước trên môi không lành hoặc xấu đi.

Sinh tố hay nước ép tốt hơn cho sức khỏe? Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này nhưng chúng không phải là một. Cuốn sách Smoothie: Giải pháp từ thiên nhiên giúp giảm cân, thải độc, phòng bệnh, sống lâu của tác giả Farnoóh Brock sẽ cung cấp kiến thức về sinh tố. Nó cũng đưa ra lời khuyên trong việc làm và sử dụng sinh tố sao cho có ích cho sức khỏe.

Bộ phận trên khuôn mặt dễ bị cháy nắng nhưng ít người chú ý

Tương tự các vùng da khác, môi không thể tự bảo vệ nó trước các tia UV có hại của mặt trời.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm