Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Triệu chứng nhận biết trẻ nhiễm biến chủng Omicron

Theo các chuyên gia, dấu hiệu ở trẻ nhiễm biến chủng Omicron khá tương đồng với cảm lạnh như mệt mỏi, hắt hơi, ho hoặc đau họng.

Làn sóng Covid-19 do biến chủng Omicron gây ra vẫn chưa dừng lại. Ở nhiều quốc gia, số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra số lượng người chuyển nặng vì Omicron giảm so với đợt bùng phát biến chủng Delta. Nguyên nhân có thể do độc lực của chủng mới suy yếu và tác dụng bảo vệ của vaccine. Điều này càng khiến việc tiêm vaccine Covid-19, nhất là cho trẻ em, người già, nhóm dễ bị tổn thương càng trở nên cấp thiết.

Business Insider đã trao đổi với các chuyên gia và nhận được một số dữ liệu ban đầu về triệu chứng của trẻ em khi nhiễm Omicron.

Triệu chứng phổ biến

Giáo sư Duncan, Đại học Hoàng gia London, Anh, cho hay ông và các cộng sự đã theo dõi các triệu chứng của Covid-19 ở trẻ em thông qua dự án ZOE Covid-19. Đây là ứng dụng cho phép người tham gia ghi lại các triệu chứng mà họ mắc Covid-19 hàng ngày.

Dựa trên kết quả sơ bộ từ vài trăm F0 nhiễm Omicron là trẻ em 8-12 tuổi, GS Duncan liệt kê các triệu chứng gồm mệt mỏi, đau đầu, viêm họng, sổ mũi, hắt hơi, sốt, ho. Trong đó, biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ nhiễm biến chủng Omicron là mệt mỏi, hắt hơi, ho hoặc đau họng.

Theo Business Insider, một số chuyên gia y tế khác ghi nhận vấn đề về đường ruột như tiêu chảy, phát ban. Tuy nhiên, các triệu chứng này khá hiếm gặp. Ở một số trường hợp, trẻ bị ung thư phổi, khi nhiễm nCoV, bệnh nhi gặp phải tình trạng thở khò khè, ho rít thành tiếng.

tre nhiem bien chung Omicron anh 1

Mệt mỏi, hắt hơi, ho hoặc đau họng là các triệu chứng phổ biến ở trẻ nhiễm biến chủng Omicron. Ảnh: The Today Show.

GS Duncan lưu ý dữ liệu này không bao gồm các trường hợp trẻ nhiễm Omicron mà không có triệu chứng. Hầu hết bệnh nhi tham gia nghiên cứu đều đã được tiêm chủng. Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh họ phát hiện triệu chứng được mô tả giống nhau giữa nhóm trẻ đã và chưa tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, tiêm phòng giúp giảm tần suất và mức độ kéo dài của các triệu chứng. Dẫu vậy, GS Duncan cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận điều này.

Trong khi đó, các bác sĩ điều trị cho bệnh nhi nhận định báo cáo của GS Duncan phù hợp với thực tế mà họ ghi nhận.

TS David Lloyd, bác sĩ đa khoa tại Anh, cho biết 3 triệu chứng nhiễm Omicron ở những bệnh nhân lứa tuổi này chủ yếu là mệt mỏi, đau đầu và chán ăn. Ngoài ra, một triệu chứng bất thường khác là phát ban. Khoảng 15% trẻ em gặp dấu hiệu này.

Tiến sĩ John McGuire, Giám đốc khoa Chăm sóc Nhi của Bệnh viện Nhi đồng Seattle, Mỹ, cho biết: “Hầu hết trẻ em đều có triệu chứng giống cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, bất kể tuổi tác. Phụ huynh cũng cần lưu ý tới một số dấu hiệu khác như đau ruột, sốt, phát ban”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Buddy Creech, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Vaccine Vanderbilt, cho hay ông cũng nhận thấy hầu hết triệu chứng về đường hô hấp ở trẻ nhiễm Omicron.

Trong khi đó, GS.TS Lisa Saiman, Bệnh viện Nhi đồng New York-Presbyterian Morgan Stanley, tiết lộ nổi hạch cũng có thể là triệu chứng đặc hiệu khi trẻ nhiễm biến chủng mới.

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ?

Theo nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo, Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nhiều trẻ nhỏ chưa đủ độ tuổi tiêm vaccine Covid-19 khiến các phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vấn đề theo hai hướng, đó là nguy cơ bị lây nhiễm và nguy cơ mắc bệnh nặng.

Tiêm phòng vaccine Covid-19 không phải là “bùa hộ mệnh” duy nhất giúp trẻ không nhiễm Omicron. Chúng ta có thể bảo vệ trẻ gián tiếp thông qua việc tăng tỷ lệ người lớn được tiêm chủng, từ đó giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus.

Ngoài ra, phụ huynh có thể giảm nguy cơ trẻ tiếp xúc virus bằng cách tránh đưa con tới những không gian kín, đông người, dễ lây nhiễm. Trước các sự kiện xã hội, chúng ta có thể test nhanh cho con và đảm bảo trẻ luôn đeo khẩu trang.

Tất cả dữ liệu hiện có đều cho thấy nguy cơ trẻ nhỏ chuyển nặng khi mắc Covid-19 thấp hơn nhiều so với người lớn và thanh, thiếu niên. Nguy cơ trẻ mắc hội chứng Long Covid cũng thấp hơn.

tre nhiem bien chung Omicron anh 2

Đeo khẩu trang, khử khuẩn tay thường xuyên, đảm bảo giãn cách và tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm nCoV. Ảnh: Verywellfamily.

Cảm cúm thông thường và Covid-19 rất dễ nhầm lẫn, nhất là ở thời điểm giao mùa như hiện nay. Do đó, chúng ta cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng. TS Jesal Sheth, Bệnh viện Fortis, Mulund, Ấn Độ, khuyến cáo trẻ cần được uống đủ nước, ăn đủ chất và bổ sung các dưỡng chất tăng cường sức đề kháng. Nếu trẻ có triệu chứng giống cảm lạnh như ho, sổ mũi kéo dài 1-2 ngày, phụ huynh nên đưa trẻ tới thăm khám tại các bệnh viện để kịp thời phát hiện, điều trị sớm.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, phụ huynh nên trao đổi với trẻ để con nhận thức được tình hình và chủ động các biện pháp phòng dịch. Thói quen sát khuẩn tay, đảm bảo giãn cách, mở cửa sổ để thông thoáng khí trong nhà, vẫn là cách hiệu quả để ngăn ngừa trẻ bị lây nhiễm nCoV.

Nguy cơ tái mắc Covid-19 của trẻ em

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Michigan phát hiện trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ tái mắc Covid-19 và bệnh chuyển nặng cao nhất.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm