Đầu năm nay, Bryan Johnson (45 tuổi), nhà phát triển phần mềm người Mỹ, đưa hành trình đảo ngược quá trình lão hóa của mình lên tầm cao mới khi tiến hành “trao đổi huyết tương giữa nhiều thế hệ đầu tiên trên thế giới” với con trai Talmage (17 tuổi) và người cha Richard (70 tuổi).
Đội ngũ hùng hậu gồm hơn 30 bác sĩ của Johnson cho biết quy trình này có khả năng tác động đến sự suy giảm não bộ do tuổi tác.
Tuy nhiên, Johnson vừa kết luận ông “không thấy hiệu quả” sau khi kiểm tra hàng loạt dấu ấn sinh học từ huyết tương của mình, theo Fortune.
Trước đó, ông trải qua 6 lần trao đổi huyết tương từ 1 lít máu hiến tặng của con trai.
Cụ thể, máu từ người hiến tặng trẻ tuổi được chiết xuất thành các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Huyết tương chuyển đổi sau đó được tiêm vào người nhận với mục đích tái tạo các bộ phận của cơ thể để chống lão hóa.
Trong khi Johnson tiêm huyết tương của con trai vào tĩnh mạch, huyết tương của ông cũng được tiêm vào tĩnh mạch của cha ông để thực hiện thí nghiệm 3 thế hệ. Kết quả của ông Richard vẫn đang chờ tính toán.
Gây tranh cãi
Vào tháng 1, Johnson trở nên nổi tiếng khi chi hàng triệu USD cho các sáng kiến chống lão hóa, được biết đến với tên gọi Project Blueprint, bao gồm chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, tập thể dục, thói quen ngủ,...
Ông được xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng thường xuyên để xác định xem mình có đang trở nên trẻ hơn về mặt sinh học hay không.
Truyền huyết tương chỉ là một trong nhiều phương pháp Johnson trải qua để kéo dài tuổi thọ, dù gây nhiều tranh cãi.
Ambrosia, công ty khởi nghiệp ở bang California (Mỹ), bán các loại huyết tương trẻ hóa với giá 8.000 USD/l từ năm 2017. Tuy nhiên, đơn vị này đóng cửa vào năm 2019 khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Liên bang Mỹ (FDA) cảnh báo về các loại truyền huyết tương này, Business Insider đưa tin.
FDA cho biết không có hiệu quả lâm sàng nào của việc truyền huyết tương được chứng minh là có thể giảm thiểu, điều trị hoặc ngăn ngừa các tình trạng lão hóa, đồng thời có những rủi ro liên quan đến việc sử dụng bất kỳ sản phẩm huyết tương nào.
Nhà phát triển phần mềm 45 tuổi tìm nhiều cách để níu kéo tuổi trẻ dù gây tranh cãi. |
Do chưa trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của FDA, việc truyền huyết tương từ người hiến tặng trẻ tuổi không được coi là an toàn hoặc hiệu quả khi nói đến chống lão hóa. Phương pháp này chỉ được sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng nặng, bỏng và rối loạn máu.
Charles Brenner, nhà hóa sinh tại Trung tâm Y tế Quốc gia City of Hope ở Los Angeles (Mỹ), nói: “Chúng tôi chưa tìm hiểu đủ để cho rằng đây là phương pháp điều trị khả thi cho con người. Đối với tôi, nó không có bằng chứng thuyết phục và tương đối nguy hiểm”.
Irina M. Conboy từ Đại học California, Berkeley (Mỹ), cho biết: “Nghiên cứu để làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình lão hóa phức tạp hơn việc tìm kiếm các yếu tố tái tạo trong máu”.
Sau cảnh báo của FDA, các nhà nghiên cứu đang thực hiện cách tiếp cận có tính toán hơn. Thay vì cố gắng đảo ngược quá trình lão hóa, họ đang xác định các yếu tố phân tử chịu trách nhiệm cho những thay đổi được thấy trong các thí nghiệm về bệnh parabiosis với hy vọng nhắm vào các bệnh cụ thể liên quan đến lão hóa, chẳng hạn như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hoặc bệnh Alzheimer.
Trong khi Johnson thử nhiều cách để trở lại tuổi 18, việc truyền huyết tương trẻ dường như không thành công. Ông cho biết liệu pháp này đã bị ngừng.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Nói với Tri thức trực tuyến, Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.