Áp lực học tập khiến nhiều người trẻ Trung Quốc đi đến quyết định tự làm hại mình. Ảnh: Depositphotos. |
Theo nghiên cứu gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, số trẻ em 5-14 tuổi chết vì tự tử tăng gần 10% mỗi năm từ 2010 đến 2021. Con số với nhóm 15-24 tuổi giảm 7% trong năm 2017, sau đó tăng gần 20% trong 4 năm tiếp theo.
Mức tăng này nhỏ về số lượng tuyệt đối, nhưng trái ngược với mức giảm 5,3% hàng năm trong giai đoạn 2010-2021 ở tất cả nhóm tuổi nhờ chương trình sức khỏe tâm thần tại Trung Quốc.
Trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt với chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, nguy cơ tự tử gia tăng do cạnh tranh gay gắt để học tốt ở trường. Theo cuộc khảo sát quốc gia năm 2022 ở Trung Quốc, một nửa số người mắc chứng rối loạn trầm cảm là học sinh, theo Bloomberg.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi chính phủ Trung Quốc ưu tiên phát triển những chương trình nhắm mục tiêu đến trẻ em và thanh thiếu niên áp dụng phương pháp tốt nhất từ nước ngoài, cho phép xác định sớm hành vi tự tử.
Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc từ lâu phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để nổi trội ở trường và kiếm được việc làm lương cao sau khi tốt nghiệp. Sau 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp kỷ lục cũng gây áp lực lên giới trẻ.
Đầu năm nay, vụ tự tử của học sinh nội trú tên Hu Xinyu thu hút sự chú ý rộng rãi ở Trung Quốc. Trước khi đi đến quyết định dại dột, cậu bé 15 tuổi bày tỏ lo lắng về điểm số của mình.
Năm 2021, Bắc Kinh tiến hành cải cách sâu rộng đối với lĩnh vực công nghệ giáo dục. Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng áp lực thuê gia sư riêng gây ra sự lo lắng quá mức.
Các nhà nghiên cứu tại CDC Trung Quốc cũng cảnh báo rằng niềm tin phổ biến của phụ huynh và giáo viên rằng đạt điểm cao quan trọng hơn bất cứ điều gì khác có nguy cơ che khuất vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.