Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triệu tập 8 ngân hàng tới phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Saigon Co.op

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cùng 7 ngân hàng khác được TAND TP.HCM triệu tập đến phiên tòa xét xử ông Diệp Dũng và đồng phạm.

Ngày 14/12, theo nguồn tin của Tạp chí Tri thức, TAND TP.HCM vừa có quyết định đưa vụ án ông Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TPHCM - Saigon Co.op) và 8 đồng phạm ra xét xử.

Trong vụ án này, ông Diệp Dũng (55 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op); Nguyễn Thành Nhân (46 tuổi, nguyên tổng giám đốc); Hồ Mỹ Hòa (nguyên giám đốc tài chính) bị truy tố về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Võ Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới và Tôn Thất Hào, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Á cũng bị truy tố về cùng tội danh. 3 người khác bị cáo buộc hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 28/12 đến ngày 29/12, do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa hình sự, TAND TP.HCM) làm chủ tọa cùng thẩm phán Phạm Thị Uyên Thy và thẩm phán dự khuyết Nguyễn Thị Hà. Giữ quyền công tố tại tòa là kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung và Mai Chiến Thắng.

Để phục vụ việc xét xử, tòa triệu tập 8 ngân hàng gồm: Ngân hàng Thương mại CP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB, Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Citibank Việt Nam, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV và Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam.

Ngoài ra, tòa triệu tập 4 công ty chứng khoán và 24 cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tòa. Đồng thời, HĐXX triệu tập giám định viên Ngân hàng Nhà nước và giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thuế thuộc Cục thuế TP.HCM tham gia phiên tòa với tư cách là người giám định.

Saigon.Co.op được xác định là bị hại duy nhất của vụ án.

Có 13 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo, riêng ông Diệp Dũng có 2 luật sư là Nguyễn Văn Tú (Đoàn Luật sư Bắc Giang) và Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Saigon Co.op anh 1

Ông Diệp Dũng. Ảnh: Saigon Co.op.

Theo cáo trạng, năm 2016, Saigon Co.op sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, ông Diệp Dũng đã ký công văn gửi nhà đầu tư thông báo huy động vốn để mua lại chuỗi Big C Việt Nam. Tài khoản huy động vốn của Saigon Co.op đã nhận được 3.000 tỷ đồng. Đến tháng 5/2016, Saigon Co.op đấu giá mua Big C bất thành.

Sau khi thương vụ thâu tóm bất thành, ông Diệp Dũng với vai trò là chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đã không thông qua HĐQT mà tự ý chỉ đạo Phòng Tài chính, Phòng Kế toán của Saigon Co.op thực hiện các thủ tục chuyển 1.000 tỷ đồng trong 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op huy động vốn, để hợp tác, đầu tư với Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á.

Theo nội dung hợp tác đầu tư, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định trên tổng số tiền hợp tác 1.000 tỷ đồng nói trên là 7%/năm. Tuy nhiên, đến tháng 3/2018, phía Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á thông báo cho Saigon Co.op dùng 1.000 tỷ đồng này kinh doanh không hiệu quả, không thu lợi nhuận, đề nghị Saigon Co.op điều chỉnh giảm lợi nhuận.

Ông Diệp Dũng đồng ý và ký thỏa thuận bổ sung, điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm kể từ ngày 19/8/2016. Việc tự điều chỉnh lợi nhuận cố định đã gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,6 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về thuế là gần 30 tỷ. Hồ Mỹ Hòa, Nguyễn Thành Nhân, Tôn Thất Hào và Võ Thành Trung có vai trò giúp sức ông Dũng.

Ngoài vụ án này, tháng 4/2022, ông Diệp Dũng bị TAND TP.HCM tuyên phạt 2 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Độc giả của Znews có thể tìm đọc những cuốn sách về Luật hình sự, Luật cư trú, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự tại Tủ sách pháp luật.

Sơn Giang

Bạn có thể quan tâm