Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an cho biết đang mở rộng điều tra làm rõ vụ sản xuất, tiêu thụ gần 3 triệu sách giáo khoa giả liên quan 2 công ty có trụ sở ở Hà Nội.
Cơ quan chức năng đã triệu tập nhiều người để làm việc. Trong đó có các ông Hoàng Mạnh Chiến (Giám đốc Công ty In và Văn hoá truyền thông Hà Nội), Nguyễn Mạnh Hà (phó giám đốc doanh nghiệp này) và bà Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát).
Một trong những nhà kho tập kết sách giả tại Hà Nội. Ảnh: N.H. |
Sáng 18/6, C03 phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục An ninh mạng, và phòng chống tội phạm công nghệ cao cùng một số lực lượng khác đồng loạt kiểm tra 19 địa điểm, hệ thống văn phòng, nhà xưởng và kho hàng của 2 công ty trên tại Hà Nội.
Sau một ngày khám xét, cơ quan điều tra thu giữ 3 dây chuyền gia công, máy in màu offset dùng để in ấn sách cùng hàng triệu cuốn sách giáo khoa giả nhãn hiệu sách cung cấp cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Kết quả điều tra ban đầu xác định hơn một năm trước, các chủ doanh nghiệp nêu trên cùng một số người liên quan đã thiết lập dây chuyền thu mua giấy, in ấn sách giáo khoa giả.
Công ty In và văn hoá truyền thông phụ trách khâu sản xuất hàng giả. Còn phía Phú Hưng Phát đầu tư hệ thống vận tải để tiêu thụ sách giả tại một số cửa hàng ở Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Sách giả được phân bổ ở những nơi kín đáo, xa khu dân cư trước khi tiêu thụ. Ảnh: N.H. |
Theo Cục C03, đường dây sản xuất sách bất hợp pháp trên còn sử dụng mẫu tem kiểm định giả của nhà xuất bản để gắn lên hàng hóa. Người tiêu dùng nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện mẫu tem này.
Ngoài ra, sau khi làm ra sách thành phẩm giả, họ chia nhỏ hàng hóa để tập kết ở nhiều nhà kho tại Hà Nội nhằm tránh bị phát hiện.
Qua tổng hợp thông tin, C03 cho rằng nhóm sản xuất hàng giả đã thu lợi bất chính gần 50 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đánh giá đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả lớn nhất từ trước đến nay.