![]() |
Sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch Covid-19, Triều Tiên bắt đầu khôi phục ngành du lịch với loạt sáng kiến mới. Trong đó có việc tái tổ chức giải Marathon quốc tế Pyongyang, mở cửa khu nghỉ dưỡng biển Wonsan-Kalma và thúc đẩy hồ sơ di sản với UNESCO, theo nhật báo Hàn Quốc Korea Times.
Nỗ lực
Ngày 23/7, Triều Tiên thông báo mở đăng ký sớm cho giải marathon quốc tế Pyongyang 2026 - sự kiện thể thao lớn thường niên tại thủ đô Bình Nhưỡng. Công ty du lịch Koryo Tours có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết đang triển khai chương trình ưu đãi 50% dành cho những người đăng ký trước ngày 1/9.
Marathon quốc tế Pyongyang ra đời năm 1981, nhằm kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (15/4), từng được tổ chức thường niên đến năm 2020 thì tạm dừng. Tháng 4 năm nay, giải chạy được tái khởi động với sự tham gia của các vận động viên đến từ Trung Quốc, Morocco, Ethiopia và một số quốc gia khác.
Việc tái khởi động giải đấu được xem là một phần trong nỗ lực phục hồi du lịch - ngành được Bình Nhưỡng kỳ vọng sẽ đem về ngoại tệ mà không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
![]() |
Các vận động viên tham gia giải Marathon quốc tế Bình Nhưỡng diễn ra ngày 6/4. Ảnh: KCNA. |
Đầu tháng 7, chính quyền Triều Tiên đã khai trương khu nghỉ dưỡng biển Wonsan-Kalma - một trong những dự án được lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá là "thành tựu vĩ đại nhất năm".
Khu nghỉ dưỡng có sức chứa khoảng 20.000 người, được kỳ vọng trở thành đầu tàu cho ngành du lịch hậu Covid-19 và nguồn thu ngoại tệ trong bối cảnh cấm vận kéo dài.
Ngoài ra, hồi tháng 4, tại kỳ họp lần thứ 221 của Hội đồng Chấp hành UNESCO, khu vực núi Paektu (Bạch Đầu) của Triều Tiên chính thức được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), danh hiệu này không chỉ làm nổi bật ý nghĩa địa chất mà còn nâng cao giá trị du lịch của ngọn núi vốn được xem là biểu tượng tinh thần và niềm tự hào dân tộc của quốc gia.
Việc ghi danh di sản được cho là bước đi quan trọng trong nỗ lực thu hút khách quốc tế của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh quốc gia này dần mở cửa trở lại sau đại dịch.
![]() |
Du khách tắm biển tại khu nghỉ dưỡng ven biển Kalma, ngày 20/7: Ảnh: KCNA. |
Chưa đạt kỳ vọng
Dù có nhiều động thái mở cửa, Triều Tiên gần đây lại đưa ra quyết định gây bất ngờ: tạm ngừng tiếp nhận khách quốc tế tại khu nghỉ dưỡng Wonsan-Kalma.
Thông báo được đăng tải trên website chính thức DPR Korea Tour chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và cuộc gặp với ông Kim Jong-un.
Quyết định không nêu lý do cụ thể, nhưng một đại diện khu nghỉ dưỡng sau đó xuất hiện trên truyền hình quốc gia, cho biết việc tạm dừng nhằm "cải thiện dịch vụ phục vụ người dân trong nước".
Lệnh cấm diễn ra ngay sau khi khu nghỉ vừa tiếp đón một đoàn khách Nga, làm dấy lên nhiều hoài nghi về khả năng vận hành ổn định ngành du lịch tại quốc gia này.
![]() |
Núi Paektu, thánh địa gắn liền lịch sử và tâm linh Triều Tiên, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, hồi tháng 4. Ảnh: KCNA. |
Theo Yonhap, du lịch được Bình Nhưỡng kỳ vọng sẽ trở thành nguồn thu ngoại tệ quan trọng trong bối cảnh các kênh thương mại chính thức bị siết chặt.
Một số nhà phân tích cho rằng việc đột ngột ngừng tiếp khách có thể liên quan đến bài viết của phóng viên Nga đi cùng đoàn ngoại giao, trong đó ám chỉ những "du khách" tại khu nghỉ có thể là người dân địa phương được huy động để tạo cảm giác đông đúc.
"Triều Tiên có thể đã nhận thấy rủi ro hình ảnh và truyền thông khi mở cửa quá nhanh cho khách nước ngoài", ông Oh Gyeong-seob, chuyên gia tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định.
Chuyên gia an ninh Lee Sang-keun cho rằng còn có lý do kinh tế. Chi phí du lịch cao và khoảng cách địa lý khiến nhiều du khách Nga không mặn mà với hành trình đến Wonsan. Trong khi đó, nhóm khách Trung Quốc - vốn là thị trường chủ lực trước đại dịch - vẫn chưa được phép quay lại.
Theo ông Ahn Chan-il, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nếu không mở cửa cho khách quốc tế, Triều Tiên sẽ rất khó thu hồi vốn đầu tư cho tổ hợp nghỉ dưỡng lớn nhất cả nước.
"Không có rúp Nga, nhân dân tệ Trung Quốc hay USD, việc vận hành khu nghỉ một cách bền vững là bất khả thi", ông nói.
![]() |
Du khách chụp ảnh Cầu Tự do nối Triều Tiên và Hàn Quốc tại khu Imjingak gần vùng phi quân sự ở Paju, Hàn Quốc, ngày 16/10/2024. Ảnh: Reuters. |
Trong nỗ lực kích cầu, Hàn Quốc hiện cũng đang cân nhắc khả năng nối lại hình thức du lịch cá nhân sang Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 22/7 xác nhận chính phủ đang xem xét các phương án nhằm giảm căng thẳng liên Triều, bao gồm cho phép công dân Hàn Quốc đến miền Bắc thông qua nước thứ 3.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo việc mở lại du lịch liên Triều sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Ngoài yếu tố chính trị, cơ sở hạ tầng hạn chế, kiểm soát truyền thông chặt chẽ và chính sách thiếu nhất quán vẫn là những rào cản lớn.
"Du lịch được xem là cánh cửa hẹp để Triều Tiên tiếp cận ngoại tệ, nhưng nếu không giải quyết được những yếu tố cốt lõi, ngành này khó lòng thoát khỏi cảnh giậm chân tại chỗ", ông Cho Han-bum, chuyên gia tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhận định.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình