Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trình báo bị mất gần 1,3 tỷ đồng sau cuộc điện thoại

Sau khi cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP cho người xưng là cán bộ công an, chị M. phát hiện tài khoản bị ai đó rút gần 1,3 tỷ đồng.

Công an huyện Thường Tín, Hà Nội, đang xác minh điều tra vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 1,3 tỷ đồng.

Theo trình báo của chị M. (31 tuổi, người địa phương) hôm 10/11, M. nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên bảo hiểm. Người này thông báo có hợp đồng bảo hiểm mang tên chị M., yêu cầu chị này cung cấp thông tin căn cước công dân để kiểm tra.

Sau đó, M. nhận được điện thoại của một nam giới xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng. Anh ta nói chị M. có tài khoản ngân hàng liên quan đến rửa tiền và gửi hình ảnh thông báo bắt giữ chị M.

Khi M. nói mình không liên quan, đối phương đề nghị nạn nhân gặp VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Kẻ giả danh còn yêu cầu chị này cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để làm việc. Sau khi phát hiện tài khoản bị ai đó rút gần 1,3 tỷ đồng, M. trình báo công an.

Trước tình trạng nhiều người sập bẫy lừa của kẻ giả danh công an, thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã OTP hoặc số thẻ tín dụng cho bất kỳ ai; không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn hay email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh người dân không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của người lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng. Mọi người cũng không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng, nhất là theo yêu cầu của người lạ.

Khi xảy ra rủi ro mất tiền hoặc trong tình huống nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần chủ động khóa tài khoản, thay đổi mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking, liên hệ ngay với ngân hàng hoặc đến điểm giao dịch gần nhất yêu cầu tạm khóa dịch vụ thẻ. Sau đó, người dân trình báo ngay công an địa phương.

2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

Người đàn ông ngoại quốc mất túi đồ sau khi đi vệ sinh

Quay lại sau khi đi vệ sinh, anh Karnatak phát hiện mất túi đồ, bên trong có bộ máy ảnh trị giá gần 200 triệu đồng. Công an xác định Đạo là nghi phạm và bắt giữ người này.

Người phụ nữ chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng để tiêu xài

Nguyễn Thị Kim Phượng thông qua việc vay mượn tiền đưa cho người khác vay lại lấy lãi nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, nhưng thực tế chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm