Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trình báo sai sự thật sẽ bị xử lý ra sao?

Nếu cố tình cung cấp thông tin sai sự thật, tùy vào tính chất sự việc, người trình báo sẽ bị xem xét trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.

Ngày 21/10, Công an phường Phú Hữu phối hợp với Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) đã làm việc với bà N.T.M. (46 tuổi, người trình báo sai sự thật về vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trên đường số 20).

Quá trình điều tra, trích xuất camera và các nhân chứng, công an nhận định trình báo của bà M. là không đúng, không có cơ sở nên đã mời người phụ nữ này đến trụ sở làm việc. Tại đây, bà ngoại của cháu bé mới thừa nhận không có chuyện cháu K. bị bắt cóc.

Bà M. cho biết khi thấy bé K. khóc, cửa mở và một thanh niên chạy xe máy màu đỏ đi ngang qua, người phụ nữ này lo sợ cháu bị bắt cóc nên đã thêu dệt để câu chuyện thêm phần nghiêm trọng, khiến cảnh sát nhanh chóng điều tra.

Sau khi làm việc với bà M., cơ quan chức năng khẳng định không có vụ bắt cóc trẻ em nào xảy ra trên địa bàn. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước tội phạm nhưng không loan tin thất thiệt, tránh gây hoang mang dư luận.

Trao đổi với Zing, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết công dân có quyền và nghĩa vụ trình báo, cung cấp thông tin tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác minh, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Tuy nhiên, người trình báo và cung cấp thông tin phải đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin, nguồn tin. Nếu cố tình cung cấp sai sự thật, người trình báo và cung cấp thông tin sẽ bị coi là có hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời sẽ bị xem xét trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Theo luật sư Phong, nếu cố tình loan tin nhằm bôi nhọ, làm nhục, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và gây thiệt hại thì có thể phải bồi thường.

Luật sư Phong lưu ý việc trình báo thông tin trực tiếp tới cơ quan Nhà nước khác với việc đưa tin lên mạng xã hội hoặc cố tình lan truyền thông tin ra ngoài cộng đồng xã hội. Tùy theo mục đích và phương thức cung cấp thông tin để cấu thành hành vi vi phạm pháp luật khác nhau.

Trường hợp cố tình báo tin giả với cảnh sát khu vực nhưng không đưa lên mạng xã hội thì bị coi là có hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu cố tình đưa lên Facebook hoặc Zalo... hành vi này vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Đối với trường hợp cụ thể tại phường Phú Hữu mà báo chí đã đăng, luật sư Hà Huy Phong cho rằng bà M. có dấu hiệu vi phạm pháp luật với hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hành vi này có thể bị xử phạt phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Thông tin một bé trai bị bắt cóc ở TP Thủ Đức là thất thiệt

Nhận tin báo về vụ bắt cóc trẻ em tại phường Phú Hữu (TP Thủ Đức), cảnh sát đã tới hiện trường điều tra và khẳng định không có vụ bắt cóc nào xảy ra tại đây.

Thực hư vụ 'bắt cóc trẻ em' ở Quảng Nam

Cơ quan công an cho biết, tin đồn về vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đang lan truyền trên mạng xã hội, là sai sự thật.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm