Lúc 9h40 hôm nay (5/2) TAND Hà Nội mở lại phiên tòa sau một ngày nghị án, và sẽ tuyên án với Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) và 6 bị cáo khác trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
HĐXX nhận định, Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch PVC, có trách nhiệm quản lý phần vốn góp của PVC tại PVP Land. Thanh biết rõ số tiền Đinh Mạnh Thắng chuyển cho mình là tiền chuyển nhượng dự án Nam Đàn Plaza. Mặc dù bị cáo không thừa nhận số tiền là bao nhiêu, nhưng căn cứ lời khai các bị cáo khác, đủ tài liệu kết luận bị cáo đã chiếm đoạt 14 tỷ đồng.
HĐXX đánh giá, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có vai trò quan trọng trong việc chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land. Bị cáo biết rõ giá gốc chuyển nhượng cổ phần tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, nhưng vẫn chỉ đạo để cho đồng phạm ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với mức giá tương đương 34 triệu đồng/m2, để được hưởng tiền chênh lệch giá. Thực tế bị cáo Thanh đã chiếm đoạt số tiền 14 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội Tham ô tài sản.
Với Đinh Mạnh Thắng, HĐXX đánh giá hành vi của bị cáo có đầy đủ dấu hiệu của tội Tham ô tài sản với vai trò là người giúp sức.
Theo nhận định của HĐXX, các bị cáo đã câu kết chặt chẽ, tạo ra một công đoạn mua bán, chuyển nhượng tưởng như là hợp pháp bằng cách tạo giá trị vật chất thấp nhưng vẫn có lãi với mức giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, trong khi đó giá thực tế chuyển nhượng rất cao, tương đương 52 triệu đồng/m2. Hành vi của các bị cáo gây dư luận xấu, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay nên cần phải xử lý nghiêm.
Từ phân tích trên, TAND Hà Nội tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh án chung thân, Đinh Mạnh Thắng 9 năm tù, Đào Duy Phong 16 năm tù, Nguyễn Ngọc Sinh 13 năm tù, Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy cùng mức án 10 năm tù.
Riêng bị cáo Lê Hòa Bình 8 năm tù, Nguyễn Thị Kim Thoa 6 năm tù. Tổng hợp cả bản án trước đó họ đã lĩnh do liên quan vụ án khác, Bình và Thoa cùng lĩnh án chung thân.
Trước khi vụ án này đưa ra xét xử, hôm 22/1, TAND Hà Nội cũng tuyên bị cáo Thanh án chung thân do liên quan đến vụ án xảy ra tại PVN và PVC với các tội: Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì sao Trịnh Xuân Thanh cùng 7 bị cáo khác vướng lao lý?
Theo cáo buộc, Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập, trong đó PVP Land, đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu dự án Nam Đàn Plaza (ở đường Phạm Hùng, Hà Nội) cho Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 với giá tương đương 52 triệu đồng/m2 đất.
Ông Bình tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần 4 cổ đông còn lại được ký theo giá thỏa thuận. Riêng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thể hiện giá chuyển nhượng chỉ tương đương 34 triệu đồng/m2 đất, thấp hơn giá chung hơn 87 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, nhóm mua cổ phần của PVP Land, thông qua Đinh Mạnh Thắngvà một số người trung gian, đã gặp được Trịnh Xuân Thanh.
Dựa vào tờ trình của Đào Duy Phong (Chủ tịch PVP Land), Trịnh Xuân Thanh ký nghị quyết HĐQT triển khai việc chuyển nhượng cổ phần giá thấp hơn thực tế để hưởng chênh lệch. Theo kết quả điều tra, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ (đã hoàn trả người đưa), Đào Duy Phong chiếm đoạt 10 tỷ, Đinh Mạnh Thắng được 5 tỷ.
Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc là người chủ mưu khi quyết định việc chuyển nhượng cổ phần PVP Land dưới mức giá chung.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC. Ảnh: TTXVN. |
Hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội
Tại phiên toà, VKSND đề nghị mức án chung thân với Trịnh Xuân Thanh. Cùng bị xét xử tội tham ô tài sản, Đinh Mạnh Thắng (em ông Đinh La Thăng) bị đề nghị 11-12 năm tù. 6 bị cáo khác bị VKSND đề nghị mức án từ 8 đến 18 năm tù.
Theo VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến số tiền đặc biệt lớn (hơn 87 tỷ) của Nhà nước, làm cho dự án Nam Đàn Plaza - một dự án có giá trị kinh tế rất lớn - bị đình trệ, không triển khai được từ năm 2010 đến nay.
Hậu quả của hành vi phạm tội không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động rất xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận. VKS đánh giá việc đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh đã thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng của toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Riêng Trịnh Xuân Thanh, đại diện VKS cho rằng sau khi thực hiện hành vi tham ô, bị cáo có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thật thành khẩn khai báo, chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội.
Nói lời sau cùng hôm 3/2, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bày tỏ sự tin tưởng, mong HĐXX xem xét khách quan để mình không bị tuyên một mức án quá nặng. Còn Đinh Mạnh Thắng nói bản thân vô tình, không chủ ý tham gia việc tham ô thông qua mua bán cổ phần. Bị cáo mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tuyên mức án thấp để ông sớm được về với gia đình...