Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, gian dối'

Trong phần tranh tụng sáng nay, đại diện VKS khẳng định Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, gian dối, HĐXX có hình phạt thích đáng để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Sáng 3/2, phiên tòa xét xử sơ thẩm Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng) cùng 6 đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục diễn ra.

Mở đầu buổi làm việc, đại diện VKS đã đối đáp lần 2 về quan điểm được các luật sư, bị cáo đưa ra.

Truy tố Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác là đúng người, đúng tội

Đại diện cơ quan công tố khẳng định việc TAND Cấp cao khởi tố vụ án hình sự tham ô tài sản đối với Trịnh Xuân Thanh là đúng thẩm quyền. Viện dẫn các quy định hiện hành, VKS cho biết HĐXX có quyền khởi tố hoặc yêu cầu VKSND khởi tố nếu qua xét xử phát hiện bỏ lọt tội phạm.

Riêng Trịnh Xuân Thanh, đại diện VKS nói nguyên Chủ tịch HĐQT PVC "thỏa mãn chủ thể Tham ô tài sản". Theo giải thích của cơ quan công tố, PVP Land có 4 cổ đông sáng lập, trong đó PVC (doanh nghiệp Nhà nước có 87,87% vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT sở hữu 28% vốn điều lệ. Năm 2010, Trịnh Xuân Thanh ký quyết định cử Đào Duy Phong (Chủ tịch HĐQT PVP Land) và Nguyễn Ngọc Sinh (Tổng giám đốc PVP Land) là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land. VKS nhận định Trịnh Xuân Thanh gián tiếp quản lý tài sản của PVC thông qua người đại diện.

VKS khẳng định cơ quan cảnh sát điều tra đã điều tra vụ án đúng quy định pháp luật. Căn tứ tài liệu chứng cứ cơ quan điều tra tra thu thập, VKS quyết định truy tố Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

Trinh Xuan Thanh anh 1
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tranh tụng. Ảnh: TTXVN.

Đại diện cơ quan công tố nói trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, gian dối. Sau khi trả 14 tỷ đồng, Thanh dặn Thái Kiều Hương (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan) giữ bí mật, nói tiền chưa chuyển đến ông ta và hợp thức hóa bằng hành vi vi phạm bằng việc chuyển nhượng cổ phần. "Nếu không vi phạm thì sao phải chỉ đạo đồng phạm gian dối?”, VKS đặt câu hỏi.

VKS đánh giá Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu PVC, sau đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhưng vẫn tham ô tài sản – tội tham nhũng bị xã hội lên án. VKS đề nghị HĐXX có hình phạt thích đáng để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Tại tòa, VKS bảo lưu quan điểm về các nội dung đã trình bày tại lần đối đáp trước như tài sản của PVP Land có phải tài sản Nhà nước, vai trò của Trịnh Xuân Thanh về việc chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần… Ngoài ra, đại diện cơ quan công tố cũng dành nhiều thời gian chứng minh các bị cáo còn lại đã giúp sức Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản và đưa ra các tài liệu cho thấy không căn cứ khẳng định 14 tỷ Vietsan nộp ngân hàng do Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thăng trả lại.

Trịnh Xuân Thanh tham ô bao nhiêu tiền của Nhà nước?

Sau phần đối đáp của VKS, luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục trình bày quan điểm về một số nội dung cơ quan công tố cáo buộc mà theo người bào chữa là chưa có căn cứ. 

Luật sư Trần Hồng Phúc và Lê Văn Thiệp đề nghị VKS làm rõ thân chủ của họ là Trịnh Xuân Thanh tham ô bao nhiêu tiền của Nhà nước? PVP Land có 28% vốn của PVC - doanh nghiệp có hơn 87% vốn nhà nước nên luật sư cho rằng không thể coi tất cả hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land là tài sản Nhà nước để cáo buộc các bị cáo tham ô.

Về vấn đề thực nghiêm vali chứa 14 tỷ, bà Phúc nói quan điểm VKS nêu không có gì mới, chỉ căn cứ lời khai mâu thuẫn của một số người liên quan. Đề nghị VKS chỉ ra ai ở Vietsan nhận tiền, thay đổi số tiền đã nhận
từ Thanh, Thắng.

Trong lần đối đáp thứ 3, VKS trình bày thêm về quy kết Đinh Mạnh Thắng giúp sức Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản và số tiền mà các bị cáo trong vụ án chiếm đoạt. Các vấn đề khác, đại diện VKS nói đã trả lời đầy đủ nên bảo lưu ý kiến đã trình bày trước đó.

Lúc này, Trịnh Xuân Thanh xin trình bày quan điểm về 3 vấn đề VKS đưa ra. Bị cáo Thanh không đồng tình với ý kiến của cơ quan công tố cho rằng ông đồng thuận với Thắng với Hương về việc nhận tiền. Trịnh Xuân Thanh khẳng định ông chưa bao giờ khai như nhận định của VKS.

VKS: Trịnh Xuân Thanh phạm tội tham ô là có căn cứ

Đối đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện VKSND Hà Nội cho rằng Trịnh Xuân Thanh phạm tội tham ô tài sản là có căn cứ, bị cáo này đã chiếm đoạt 14 tỷ đồng.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm