Học sinh Hàn Quốc chơi trò chơi bắt chước thảm kịch Itaewon. Ảnh: Korea JoongAng Daily. |
Nhiều học sinh tại Hàn Quốc đang chơi một trò chơi được cho là bắt chước thảm kịch Itaewon khiến 158 người chết vào cuối tháng 10 vừa qua. Cụ thể, những đứa trẻ sẽ xếp chồng lên nhau, người có thể chịu được sức nặng của nhiều người đè lên sẽ chiến thắng.
Theo Korea JoongAng Daily, thực tế trò chơi này đã tồn tại hơn một thập kỷ nhưng dưới những cái tên khác như trò chơi hamburger, trò chơi sandwich. Việc trẻ tái hiện trò chơi và gọi là "Itaewon" khiến nhiều người lớn lo lắng vì các em không được dạy phải biết tôn trọng những nạn nhân thiệt mạng trong các thảm họa đời thực.
Lim, một học sinh lớp 7 ở Seoul, cho biết trò chơi này bắt đầu xuất hiện trong trường học sau khi các video về thảm họa Itaewon được lan truyền trên mạng xã hội.
Vào mỗi giờ nghỉ giải lao, học sinh sẽ gạt bàn ghế sang một góc lớp học để có không gian chơi. Khoảng 10 em xếp chồng lên nhau rồi đè lên người tham gia thử thách.
Park, một học sinh lớp 10 ở Seoul, nói rằng em rất sốc khi thấy bạn bè chơi trò chơi hamburger ở trường nhưng lại gọi đó là "trò chơi Itaewon".
Trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài đăng, video về trò chơi nguy hiểm này. Korea JoongAng Daily lấy ví dụ một trường hợp học sinh xô đẩy nhau khi xếp hàng trong giờ ăn trưa và liên tục hét "đẩy đi, đẩy đi". Các em đang bắt chước tình trạng xô đẩy trong thảm họa Itaewon tối 29/10 vừa qua.
Một người dùng mạng xã hội cho biết các học sinh ở trường chơi trò xô đẩy nhau, một em bị đau lưng và không thể thở nổi.
"Tôi thấy một số nam sinh trung học đẩy một em khác vào tường và gọi đó là Itaewon", một người khác bình luận.
Ngày 8/11 vừa qua, Hiệp hội Giáo viên về Phương tiện Truyền thông Hàn Quốc đã công bố hướng dẫn sử dụng phương tiện truyền thông khi gặp các tình huống thảm họa. Hiệp hội nhấn mạnh nếu trẻ tham gia những trò chơi bắt chước sự cố, thảm họa thực tế, nhiều nguy cơ trẻ sẽ gặp tai nạn liên quan vấn đề an toàn vì các em không nhận thức đúng về những rủi ro.
Một số chuyên gia nói rằng học sinh cần được hướng dẫn về cách tiếp nhận những thảm kịch nơi công cộng. Giáo sư Yoo Hyun-jae (Khoa Truyền thông của Đại học Sogang) nhận định việc đăng các video về thảm kịch chưa qua chỉnh sửa (che, làm mờ) sẽ khiến học sinh có nhận thức sai lệch về vụ việc đó.
Ông Lim Myung-ho, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Dankook, cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông nêu ví dụ bộ phim nổi tiếng Squid Game năm 2021 cũng khiến nhiều học sinh bắt chước trò chơi trong phim mà không nghĩ đến hậu quả.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.