Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Trò chơi gọi hồn’ - Kinh dị, nhưng chưa đủ ép phê

“Ouija” giống như một cơn gió lạ trong mùa phim Halloween, nhưng bộ phim vẫn chưa thể đem tới cho khán giả đam mê dòng phim kinh dị cảm giác trọn vẹn.

Ouija có kinh phí sản xuất chưa đầy 5 triệu USD nhưng đạt doanh thu ra mắt lên tới 20 triệu USD, một con số thuộc dạng cao nằm trong thể loại phim kinh dị 2014. Chính nhờ đó mà bộ phim xếp trên tác phẩm hành động John Wick của tài tử Keanu Reeves tại các bảng xếp hạng doanh phòng vé trong tuần lễ ra mắt.

Ouija từng đánh bại John Wick trong tuần ra mắt tại Bắc Mỹ.

Bộ phim mở đầu bằng cái chết thương tâm của Debbie, khi cô gái trẻ tự mình chơi cầu cơ, một điều cấm kỵ của trò chơi này. Sau đó, bạn thân của Debbie là Laine thuyết phục anh chàng bạn trai Trevor, em gái Sarah, cô bạn Isabelle, và bạn trai của Debbie là Pete cùng chơi cầu cơ với mục đích nói lời tạm biệt với người bạn đã khuất. Tuy nhiên, hành động liều lĩnh này vô tình chọc giận một linh hồn thù hận khác và lần lượt từng người trong nhóm phải trả giá cho sai lầm này.

Ouija, hay cầu cơ theo cách gọi dân dã của người Việt, là một trò chơi tập thể có thật. Trong đó, người chơi đặt tay lên miếng gỗ, đọc to câu hỏi và chờ miếng gỗ di chuyển tới từng ký tự rồi ghép chúng lại với nhau rồi đoán câu trả lời từ người đã khuất. Tuy không phải là một trải nghiệm lạ lẫm nhưng bộ phim Ouija có lẽ là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi khai thác đề tài từ trò chơi này.

Bộ phim khai thác trò chơi cầu cơ, tuy không lạ nhưng lại hiếm khi xuất hiện trên màn ảnh.

Câu chuyện của Ouija không đi theo mô-típ quen thuộc của các tác phẩm cùng thể loại với những màn rượt đuổi tuyệt vọng. Bộ phim là chuỗi những sự kiện kết nối lẫn nhau theo trình tự khám phá của nhân vật. Điểm mạnh của Ouija khi so sánh với mặt bằng chung những phim kinh dị gần đây là cách đặt vấn đề không mấy xa lạ nhưng được kể theo lối chỉn chu, dễ hiểu. Đạo diễn Stiles White đánh lừa hầu hết khán giả khi xây dựng mạch phim phát triển theo lối gấp khúc. Người xem cứ nghĩ rằng mọi chuyện đã an bài thì mạch phim lại bất ngờ tiếp diễn một cách kịch tính.

Phim lựa chọn phương thức mô tả trực diện về ma quỷ, với nhiều cảnh quay tập trung vào sự biến đổi ma quái của các nhân vật lúc bị ma ám, khi sắp chết... Điển hình là cảnh Isabelle bị “khâu miệng” trước khi tự mình lơ lửng giữa không trung rồi đập đầu vào bồn nước; hay như trường đoạn Laine giằng co trên bàn cầu cơ với hồn ma vừa ghê rợn, vừa chân thực.

Một trong những cảnh quay ám ảnh nhất của bộ phim.

Ouija gây hoang mang và hù dọa khán giả cho tới tận những giây cuối cùng, khi người xem cứ phải khóc thét bởi sự xuất hiện lặng lẽ, bất thường của cả người lẫn ma trong suốt phim. Màu sắc tâm linh, siêu thực được tô vẽ bằng những pha hù dọa đột ngột. Tuy nhiên, đa số chỉ là những sự kiện giật gân, vô thưởng vô phạt hoặc là ngữ cảnh liên quan đến con người. Chính bởi vậy, bộ phim càng về sau lại càng trở nên dễ đoán và mất đi yếu tố ngạc nhiên cùng nỗi ám ảnh của một bộ phim kinh dị điển hình. Với những cạ cứng của dòng phim kinh dị, có lẽ họ sẽ không khó bắt bài được toàn bộ kịch bản và diễn tiến của bộ phim.

Một điểm trừ khác là mặc dù quy tụ một dàn diễn viên trẻ đẹp, từng tham gia nhiều phim truyền hình nổi tiếng, nhưng diễn xuất của mỗi nhân vật trong Ouija không có gì ấn tượng. Hai diễn viên nam điển trai nhưng diễn xuất khá nhạt nhòa, không có cá tính riêng. Nữ diễn viên Bianca A. Santos trong vai Isabelle không có nhiều đất diễn. Còn nữ diễn viên chính Olivia Cooke trong vai Laine được xem là tròn trịa nhất nhưng lại không có nhiều bứt phá. Có lẽ sự lỏng lẻo trong khâu nội dung khiến cho dàn diễn viên mất đi độ giằng co về nội tâm, sự đấu tranh trong cảm xúc - chất xúc tác quan trọng tạo nên thành công cho một bộ phim kinh dị.

Zing.vn đánh giá: 3/5

Ouija (tựa Việt: Trò chơi gọi hồn) khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 30/10.

 

Minh Phạm

Bạn có thể quan tâm