Theo Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Nhóm bệnh này bao gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Do đó, các bác sĩ cho biết việc trốn cách ly y tế trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng.
ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết tâm lý của người trốn cách ly thường có 2 nguyên nhân. Một là họ chủ quan với sức khoẻ của chính mình, cho rằng bản thân có đề kháng tốt, khỏe mạnh nên không muốn bị cách ly. Hai là họ sợ vào khu cách ly trong điều kiện thiếu thốn, không đủ điều kiện chăm sóc, sinh hoạt và sợ bị kỳ thị.
Tuy nhiên, bác sĩ Nam cho rằng hành vi này có thể gây nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiệm ra cộng đồng, khiến việc kiểm soát dịch bệnh của cơ quan quản lý khó khăn. Ngoài ra, đối tượng trốn cách ly sau khi bị phát hiện sẽ có thể gây hoang mang, lo lắng cho những người tiếp xúc gần.
Cô gái trở về từ Hàn Quốc không thực hiện cách ly y tế và livestream trên Facebook. Ảnh |
“Người đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khi trốn cách ly, cơ quan quản lý phải tìm kiếm tất cả những người đã tiếp xúc để giám sát và cách ly. Con số này có thể lên cấp số nhân. Như vậy, việc chỉ cách ly một người đơn giản hơn rất nhiều. Bạn không thể đặt quyền lợi cá nhân lên trên sức khoẻ cộng đồng. Nếu không may người trốn cách ly mắc bệnh, khó khăn trong việc kiểm soát, gánh nặng y tế rất lớn và trở thành mối nguy cho cả xã hội. Đó là hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng”, bác sĩ Nam nói.
Ngoài ra, bác sĩ Nam cũng cho rằng hành vi trốn cách ly y tế, thậm chí, còn "khoe chiến tích" trên mạng xã hội thể hiện ý thức cá nhân không tốt và coi thường sự quản lý của nhà nước. Hành động này đáng bị lên án và bài trừ.
“Khu cách ly có thể không thể cung cấp đủ điều kiện vật chất như bạn mong muốn. Tuy nhiên, cơ quan y tế đã chuẩn bị rất chu đáo, cơ sở vật chất đảm bảo cho sinh hoạt. Ở đó, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tiếp xúc đều được phân loại, xếp phòng riêng và được khám sức khỏe mỗi ngày. Do đó, mọi người không nên lo lắng việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly”, bác sĩ Nam cho biết thêm.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, lý giải từ nguy cơ đến nghi ngờ, phơi nhiễm và mắc bệnh là giai đoạn rất xa.
“Đó là nhiệm vụ y tế phải làm để tìm người có dấu hiệu, giữ họ lại nhằm tránh lây lan ra cộng đồng nếu không may mắc bệnh. Nhìn bên ngoài, không thể biết họ có mang bệnh hay không nên phải cách ly”, bác sĩ Khanh nói.
Vì vậy, ông cho rằng người dân cần tuân thủ khuyến cáo cách ly, khai báo y tế nghiêm túc, trung thực để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cũng là trách nhiệm với cộng đồng.
Hành vi vi phạm quy định về áp dụng cách ly y tế sẽ bị xử phạt theo Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, cụ thể như sau:
Điều 10. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều này.