Dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng, bắt đầu với ca nhiễm được ghi nhận tại Đà Nẵng hôm 25/7, Hà Nội cũng xuất hiện hơn 10 ca mắc.
Trước tình hình đó, các trường tư thục, vốn thường bắt đầu năm học mới từ tháng 8 phải đưa ra lựa chọn - lùi ngày tựu trường hoặc chuyển sang dạy trực tuyến ngay từ tháng 8.
Nhiều trường tư thục ở Hà Nội lùi ngày tựu trường sang đầu tháng 9, tức khi đã bước vào thời gian chính khóa, thay vì triển khai dạy online từ tháng 8. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Chương trình chính khóa bắt đầu từ tháng 9
THCS & THPT Lương Thế Vinh là một trong số những trường triển khai dạy học online cho học sinh từ ngày 17/8.
Cô Văn Quỳnh Giao, Phó hiệu trưởng, giải thích trường làm vậy để đảm bảo thời gian cho học sinh làm bài tập nâng cao hoặc phụ đạo học sinh yếu. Các em không phải học thêm bên ngoài.
Ngoài ra, theo cô Giao, phương án này nhận được sự đồng thuận của phần lớn phụ huynh. Trong tuần học online đầu tiên, học sinh ôn lại kiến thức cũ. Tuần tiếp theo, giáo viên dạy nội dung chương trình năm học 2020-2021.
Trong khi đó, quận Tây Hồ yêu cầu các trường học trên địa bàn đóng cửa ngay sau khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trong đợt dịch này.
Trao đổi với Zing, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, cho hay đến nay, phòng vẫn khuyến khích các trường tư thục cho học sinh nghỉ, lùi ngày tựu trường sang tháng 9.
"Thực tế, các trường chủ động cho học sinh nghỉ học. Về việc dạy online hay không, nếu nhận được báo cáo từ trường, phòng sẽ không cho dạy trực tuyến từ tháng 8. Tôi thấy không cần thiết", ông Vũ chia sẻ.
Ông nói thêm theo thông tin Phòng GD&ĐT Tây Hồ nắm được, các trường tư thục trên địa bàn chưa tổ chức tập trung các lớp đầu cấp. Ngoài ra, phòng và trường vẫn tiến hành nhắc nhở phụ huynh đảm bảo con đeo khẩu trang khi ra ngoài và hạn chế ra đường khi dịch chưa được kiểm soát.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Xuân, cho biết quận này cũng thực hiện theo chỉ đạo của sở. Tinh thần chung, các trường lùi ngày tựu trường sang đầu tháng 9.
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông, trường tư thục ở quận này không tựu trường hay tập trung học sinh trước 1/9.
Thông qua tin nhắn điện tử, hệ thống Zalo, phòng và trường hướng dẫn gia đình học sinh biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời đề nghị phụ huynh nhắc con hạn chế ra ngoài.
Quan điểm không dạy online từ tháng 8 cũng được áp dụng tại Marie Curie - ngôi trường lùi ngày bắt đầu năm học mới đến hai lần trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang lý giải tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, lịch tựu trường dời sang 3/9, muộn hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.
Ông cho biết theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường tư thục có thể bắt đầu năm học mới sớm hơn 4 tuần so với trường công lập, tức từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, chương trình chính khóa vẫn kéo dài từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau.
Trong tháng 8, thông thường, giáo viên chủ yếu triển khai ôn tập lại kiến thức, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao. Những việc này không thể tiến hành online. Do đó, học sinh nghỉ hè nốt tháng 8.
Việc học online với học sinh lớp 1, 2 không thực sự cần thiết phải tiến hành từ tháng 8. Ảnh: Straits Times. |
Trẻ lớp 1, 2 không cần thiết học online
Song không vì thế ông phủ định cách làm của các trường triển khai dạy online từ tháng 8. Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang từ chối bàn luận về hình thức chuyển sang dạy trực tuyến. Ông cho rằng mỗi ngôi trường có chương trình khác nhau. Do đó, trường tự chọn phương thức phù hợp.
Về phần Marie Curie, một số chương trình như tăng cường Tiếng Anh có thể cho học online. Nhưng đánh giá phương pháp này không hiệu quả bằng học trực tiếp, trường chấp nhận độ trễ, chờ sang tháng 9 tăng tốc học.
"Tới tháng 9, tức trong năm học, nếu dịch vẫn chưa được kiểm soát hoặc bùng phát trở lại đợt khác, chúng ta buộc phải học online. Không hiệu quả như học trực tiếp nhưng học trực tuyến coi như vớt vát phần nào, để chương trình tiến triển, phù hợp kế hoạch năm học", thầy Khang chia sẻ.
Trong thời gian cho học sinh nghỉ hè kéo dài, trường Marie Curie khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện để con tự học ở mức độ phù hợp nhằm khỏa lấp khoảng thời gian trống của tháng 8.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng cũng không phủ định hoàn toàn việc học online từ tháng 8. Theo bà, việc triển khai hay không, trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau. Học sinh từ THCS trở lên có thể học trực tuyến dù hiệu quả chắc chắn không bằng học trực tiếp.
Ngoài ra, nếu lo lắng học sinh quên kiến thức, trường và phụ huynh tự thống nhất tổ chức dạy học từ xa, đặc biệt ở một số môn như Ngoại ngữ. Bà lưu ý việc học nên bắt đầu từ từ, tăng dần cường độ, tránh dạy "căng" từ đầu. Trường cũng có thể tổ chức học online nhằm thực hiện công tác chuẩn bị, lấy tinh thần, khí thế, tạo đà cho năm học mới.
Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông cho rằng điều quan trọng nằm ở cách triển khai dạy học. Theo bà thấy, một số môn như thể dục hay thủ công, dù mang tính thực hành, giáo viên có phương pháp tốt vẫn dạy học hiệu quả.
"Tôi thấy thầy cô quay clip hướng dẫn tập thể dục hay múa quạt, kèm hướng dẫn chi tiết chèn luôn trong đó rồi gửi học sinh. Các em xem, tập theo và quay lại, gửi cho giáo viên. Cách làm vậy khá hay", bà Hằng nhận định.
Tuy nhiên, bà cho rằng việc cho trẻ lớp 1, 2 học online từ tháng 8 không cần thiết. Đến tháng 9, nếu tình hình chưa tốt lên, không còn cách nào khác, các trường mới dạy học từ xa cho học sinh nhỏ tuổi.
Bà giải thích trẻ lớp 1 có những môn như tập viết, đòi hỏi giáo viên hướng dẫn từng nét bút, uốn nắn từng chút một. Do đó, môn này khó dạy online. Nếu trong tình thế bắt buộc, phụ huynh cần phối hợp tốt để đảm bảo việc học cho các con.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề dạy online từ tháng 8 hay không, bà Phạm Thị Lệ Hằng nhấn mạnh việc thỏa thuận giữ phụ huynh, nhà trường trong vấn đề học phí.
Phòng cũng có chỉ đạo theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường tư thục không thu học phí online bằng 100% học phí học trực tiếp. Bà nói thêm ghi nhận từ đợt trước, hầu hết trường tư ở Hà Đông chỉ thu 20-30% học phí, thậm chí miễn phí cho thời gian dạy học trực tuyến.